Bài thi THPT Quốc gia sẽ được chấm thế nào?

(PLO) - Chiều qua, các thí sinh đã kết thúc môn thi cuối, môn Sinh của kì thi THPT quốc gia. Đề thi năm nay được đánh giá hay, có tính phân loại cao, thí sinh ở mức nào sẽ đạt mức điểm ở ngưỡng đó, dự đoán năm nay sẽ ít điểm 10. Một trong những nỗi lo của thầy cô đại học là cụm thi sẽ chấm nhẹ tay với thí sinh địa phương. Do đó, phần đa các trường ĐH đều mang bài thi về trường chấm ngay từ ngày 5/7…
Ảnh minh họa từ internet.

“Căng” giáo viên chấm thi 

Mặc dù năm nay, địa phương tham gia coi thi cùng trường đại học chủ trì cụm thi tỷ lệ giám thị là 50/50 song các trường đều có ý kiến không nên để giáo viên THPT tại địa phương chấm thi cho thí sinh trên địa bàn do các trường đại học chủ trì, vì lo ngại sẽ có sự ưu ái cho con em, không công bằng kết quả thi. 

Thực tế, ở kì thi THPT quốc gia năm ngoái, trong những ngày xét tuyển, những thí sinh ở cụm thi địa phương có điểm khá cao, trên 20 điểm. Với điểm thi đó, đương nhiên, các em có thể vào những trường tốp đầu. Thế nhưng, có điểm thi đó do thí sinh có thể hỏi bài được nhau, do phòng thi trông “khó” hay “dễ”, do các thầy cô “thương” học trò mình… Bởi thế, cùng là điểm thi 21 điểm ở cụm thi ĐH và cụm thi địa phương rất có thể là 2 thí sinh có kiến thức chênh lệch nhau rất nhiều. 

Lịch chấm thi và xét tuyển Hoàn thành chấm thi trước ngày 20/7. Hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp: trước ngày 25/7. In và trả giấy chứng nhận kết quả thi: trước ngày 30/7. Thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ: từ ngày 1/8. Kết thúc xét tuyển: ngày 20/10 (ĐH), 15/11 (CĐ).

Đi kiểm tra thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm nay TP HCM rất “căng” về giáo viên chấm thi vì các trường ĐH tổ chức cụm thi ở Tây Nam bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ đều mang bài thi về chấm tại thành phố. Vì thế, các trường cần chủ động liên hệ với đội ngũ giáo viên để đảm bảo công tác chấm thi đúng tiến độ. 

Còn tại Quảng Ngãi, đây là địa phương tổ chức chấm thi ngay tại chỗ nên áp lực của cán bộ, giáo viên rất lớn. Bộ GD&ĐT sẽ sớm chuyển đáp án để công tác chấm thi, công bố kết quả thi theo kế hoạch. 

ĐH Nông lâm TP HCM chủ trì cụm thi tại Gia Lai với 9.500 thí sinh đăng ký dự thi, dự kiến, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, sáng ngày 5/7, nhà trường sẽ vận chuyển toàn bộ bài thi về trường để chấm, lưu trữ và phục vụ việc phúc khảo, chấm thẩm tra. 

Lãnh đạo nhà trường cho biết, toàn bộ cán bộ chấm thi là giảng viên của trường, giáo viên THPT ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là những người đã chấm bài thi cho trường nhiều năm nay và làm việc rất tốt. Trong trường hợp không đủ cán bộ chấm thi, trường mới mời giáo viên THPT tỉnh Gia Lai chấm bài. 

ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM chủ trì cụm thi tại tỉnh Tây Ninh với gần 7.900 thí sinh đăng ký dự thi. Theo đó, cuối ngày 4/7, trường sẽ chuyển toàn bộ bài thi về cơ sở tại TP HCM để thực hiện việc cắt phách, chuẩn bị thủ tục cho công tác chấm thi. Dự kiến ngày 7/7, khoảng 150 giám khảo các môn tự luận sẽ bắt đầu chấm thi ngay tại trường. Việc chấm bài thi trắc nghiệm sẽ thực hiện bằng máy. 

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho biết, trường sẽ mời các giáo viên ở Tây Ninh lên thành phố tham gia công tác chấm thi với tỷ lệ khoảng 50%. Tuy nhiên, các tổ trưởng tổ chấm, các trưởng môn chấm, bộ phận thư ký, kiểm dò, bộ phận chấm kiểm tra sẽ do trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm đảm trách. Giáo viên tỉnh Tây Ninh chỉ tham gia công tác chấm thi. 

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, việc đưa bài thi về TP HCM chấm là giải pháp tối ưu nhất vì vừa tiết kiệm chi phí, công sức, vừa đảm bảo yếu tố khách quan trong quá trình chấm thi, tránh những tác động không đáng có. Ngoài ra, cách làm này cũng giúp các trường đại học giảm áp lực trong việc kiếm giáo viên chấm thi vì nguồn cán bộ chấm thi tại TP HCM dồi dào hơn địa phương rất nhiều. 

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết, như mọi năm trường đủ cán bộ chấm thi nhưng năm nay, thời gian công bố chấm thi gấp rút hơn (công bố điểm trước 20/7), cùng với đó, các trường đều mang bài thi về Hà Nội chấm nên nguồn giáo viên chấm thi cũng khá “căng”.

Hiện với các môn trắc nghiệm, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ nhờ Bộ chấm, còn với Văn, Sử, Địa trường mời thầy cô phổ thông ở Hà Nội. Toán, Lý, Hóa trường đã huy động 50 thầy cô của trường làm nhiệm vụ này (trong những ngày thi, thầy cô chấm thi được đi nghỉ để giữ sức cho những ngày chấm thi sắp tới)… 

Không “nể nang”, “trường anh”, “trường tôi”

Còn tại ĐH Thủy lợi, GS. TS Bùi Quang Kim cho biết, để đảm bảo công bằng, trường lắp camera trong các phòng chấm thi. Với các môn tự luận trường huy động toàn bộ giảng viên và phối hợp với giáo viên các trường THPT và đội ngũ chấm thi do Sở GD&ĐT Hà Nội cung cấp. 

Chỉ đạo thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đặc biệt quan tâm đến công tác chấm thi, yêu cầu các cán bộ chấm thi phải đảm bảo khách quan, công tâm, tránh tình trạng “nhẹ tay” cho thí sinh vùng này, vùng kia, phản ánh khách quan chất lượng bài thi của thí sinh. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã chỉ đạo các trường ĐH và các địa phương không có sự phân biệt giữa cụm do các trường ĐH phụ trách và các cụm do các Sở phụ trách. Cho nên là không có việc các cụm do Sở tổ chức thì “nhẹ tay” mà các cụm do các trường ĐH thì “nặng tay”. Tất cả phải bình đẳng và nghiêm túc. Chấm thi năm nay có quy định rất rõ là trách nhiệm của cụm coi thi và trách nhiệm của hội đồng chấm thi của địa phương về mặt kinh phí cho các giám thị coi thi, tránh tình trạng trách nhiệm không rõ ràng dẫn đến một số giám thị không được hài lòng trong quá trình điều động chấm thi.

Theo Bộ trưởng Nhạ: “Trong quá trình chấm thi, cũng phải có một trách nhiệm là kiểm tra chéo để khắc phục tình trạng là tự trong nội bộ “nhẹ tay”, nể nang “trường tôi”, “trường anh”. Công tác tổ chức chấm thi chúng tôi đã chỉ đạo là barem chấm số điểm chênh nhau 0,25 và đưa vào phần mềm minh bạch để tất cả các giáo viên đều hiểu như nhau và đều chấm một thang điểm như nhau. Đó là những giải pháp để đảm bảo sự chính xác, công bằng giữa các thí sinh chứ không phân biệt các thí sinh để xét tuyển hay là các thí sinh chỉ công nhận tốt nghiệp”. 

“Năm nay, đề thi có sự phân hóa, từ cơ bản đến khó và rất khó. Việc xét tốt nghiệp hay xét tuyển thì phụ thuộc vào bảng điểm. Ví dụ quy định điểm 10 thì đạt yêu cầu, 5 điểm thì tốt nghiệp. Thế còn trên nữa thì tùy theo từng trường. Có những trường lấy cao, có trường lấy thấp, thậm chí rất cao nhưng số người vào đông. Đấy là công việc của các trường xét tuyển. Nhưng về nguyên tắc, đề thi năm nay có sự phân hóa rất rõ và đảm bảo được những học sinh học những kiến thức rất cơ bản thôi thì đỗ. Còn vào ĐH là rất khác nhau, hạn chế các trường hợp điểm rất cao nhưng không đỗ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đọc thêm