'Bài thuốc' nào cho trạm y tế?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Câu chuyện làm sao phát huy năng lực các trạm y tế, để người dân đặt niềm tin vào hệ thống y tế cơ sở, suốt nhiều năm là nỗi trăn trở của nhiều người, đến ngày hôm qua (29/5), lại được các ĐBQH nhắc đến khi thảo luận tại Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Ảnh minh họa. Nguồn: SK&ĐS
Ảnh minh họa. Nguồn: SK&ĐS

Một ĐBQH cho rằng, phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn nhất của ngành Y giai đoạn hiện nay. Tăng lương, xây trụ sở đẹp, mua máy móc... không giải quyết được gốc rễ của vấn đề vì lương không thể tăng mãi. Cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân, máy móc hiện đại mà không ai biết sử dụng thì lãng phí.

Cho rằng dự phòng là mục tiêu quan trọng, ĐBQH này cũng nhấn mạnh chữa bệnh cần được coi là “chìa khóa” để y tế cơ sở đủ sức tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường. Nhưng một số chính sách với hệ thống trạm y tế cấp xã chưa hợp lý, ví dụ cùng một bệnh, nếu chữa ở xã chỉ được dùng thuốc hạ áp với giá 100 đồng/viên, còn lên bệnh viện huyện, tỉnh được cấp thuốc đắt tiền hơn. Một đêm trực của cán bộ y tế thù lao rất nhỏ nhoi, khám một bệnh nhân được 27 ngàn đồng.

Để hệ thống y tế dự phòng không bị teo tóp và mất chức năng điều trị, ĐBQH này đề xuất thử nghiệm mô hình mới: Coi trạm y tế xã phường là phòng khám của trung tâm y tế quận huyện. Tiêu chuẩn con người ở tuyến xã huyện sẽ tương đương nhau, gồm cả bệnh nhân và cán bộ y tế. Bác sĩ tuyến huyện sẽ có những ngày khám ngoại trú cố định ở cấp xã để tư vấn cho người bệnh đi chữa đúng địa chỉ. Bệnh nhân đã khám ở tuyến trên về cũng sẽ được bác sĩ tuyến huyện về xã thăm khám lại, xử lý luôn các vấn đề đơn giản.

“Cần may đo cẩn thận chứ không thể mặc đồng phục cho tất cả trạm y tế trong hệ thống”, ĐBQH này nói. Nơi nào có trạm trưởng giỏi về siêu âm thì phải đầu tư máy tốt phát huy khả năng; y sĩ học y học cổ truyền giỏi châm cứu cần được đầu tư phương tiện chuyên biệt. Trưởng trạm y tế cần được giao thêm quyền và trách nhiệm để phát huy thế mạnh.

Một ĐBQH khác cũng đánh giá mạng lưới y tế cơ sở hiện nay dù được bao phủ rộng khắp song chưa đáp ứng được nhu cầu. Hệ thống y tế cơ sở quá tải, nguyên nhân chủ yếu là thiếu nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất; nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ, nhiều người chuyển sang khu vực tư nhân hoặc đến các đô thị lớn. Ngành Y cũng phải tinh giản biên chế, trong khi sinh viên mới ra trường rất ít người về công tác tại y tế cơ sở. Chính sách tiền lương, phụ cấp chế độ đãi ngộ với cán bộ y tế chưa tương xứng thời gian, công sức học tập, lao động, điều kiện, môi trường làm việc. Trang thiết bị, môi trường làm việc cũng chưa tốt. Sinh viên ngành y học 6 năm với chi phí khá cao, gần 200 triệu/năm nhưng khi ra trường đi làm nhận lương 5 triệu đồng/tháng. “Với tình trạng trên, nếu không sớm có chính sách phù hợp thì 10 - 15 năm nữa, trạm y tế sẽ không có bác sĩ làm việc”, ĐBQH này trăn trở.

Những thực tế mà các ĐBQH nêu ra như trên đã tồn tại rất nhiều năm. Một lần nữa, cơ quan thẩm quyền cần nghiên cứu xem xét chế độ thu hút, giữ chân nhân viên y tế cơ sở; quan tâm đầu tư tương xứng cho y tế cơ sở, y tế dự phòng; và không nhất thiết phải tổ chức theo đơn vị hành chính.

Đọc thêm