“Bài thuốc” tinh thần của nhà thơ tật nguyền

(PLO) -Bị dị tật nên suốt cuộc đời, anh Cường phải nằm ngửa cổ như một đứa trẻ. Điều đặc biệt là dù chưa bao giờ được đến trường nhưng người đàn ông tật nguyền ấy lại có biệt tài làm thơ. Tay co quắp, không thể viết được nên những bài thơ của anh được “ra đời” theo hình thức “con đọc, mẹ chép lại”. Cứ thế, mấy chục năm nay, hai mẹ con luôn đồng hành cùng nhau, vượt qua mọi gian nan, bất hạnh.
Anh Cường bên mẹ
Anh Cường bên mẹ

“Con có tội gì đâu

mà không ngày đến lớp

đã 30 tuổi đầu

mẹ vẫn bê cơm đút

tuổi thơ con đâu mất

trong tận cùng nỗi đau

sao chân con không đủ

để vững vàng bước mau”. 

Mẹ vừa chép thơ, vừa rơi nước mắt

Ngôi nhà của mẹ con bà Hồ Thị Vân (75 tuổi) và anh Nguyễn Bá Cường (38 tuổi, ngụ xóm 12, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đang ngổn ngang vật liệu xây dựng vì chưa hoàn thiện.

Trên chiếc xe nhỏ bằng sắt, có 4 bánh ở phía dưới, được thiết kế giống như chiếc giường ngủ, người đàn ông tật nguyền đang nằm ngửa như một đứa trẻ. Tấm chăn mỏng đắp ngang phần bụng và một phần đôi chân bé tẹo, cong cứng. Anh nở nụ cười chào khách làm nhô phần cằm đầy những sợi râu gai góc trên gương mặt tuổi 38.

Nói về đứa con “nuôi mãi không lớn”, đôi mắt người mẹ ấy thoáng buồn. Bà Vân tâm sự, lúc sinh ra, anh Cường bình thường, nhưng khi lên 2 tuổi, biết đi chập chững, bắt đầu có biểu hiện khác thường. Toàn bộ cơ xương của anh bị biến dạng, chân tay teo, co quắp, co cơ mặt khiến khả năng giao tiếp gặp khó khăn.

Từ đó đến nay, bệnh tình của anh Cường ngày càng trở nên trầm trọng. Đã thế, do đau các khớp xương nên anh phải nằm ngửa, không thể gối kê đầu vì rất đau cổ. Anh cũng không lật đi lật lại được bởi hơi nghiêng người một chút là đau nhói. 

“Hồi nhỏ, hai chân Cường cong nhưng chưa cứng. Nhiều hôm, cháu bảo tôi cầm chân duỗi thẳng ra với hy vọng sẽ đi lại được, nhưng hễ động vào là chân lại đau nhói nên việc tập luyện đành thôi. Đau nhức quanh năm nên người con trai tôi như cái máy báo thời tiết, hễ trời động, trời lặng là khóc rên rỉ”, người mẹ xót xa. 

Bệnh tật từ nhỏ, chưa một lần được đến trường, nhưng điều đặc biệt là anh Cường biết làm thơ. Bà Vân khoe, lúc nhỏ, con trai tập đọc, tập viết qua bạn bè, anh em trong nhà. Đến năm 10 tuổi, anh Cường đã bắt đầu có những vần thơ khiến nhiều người kinh ngạc. Ban đầu, là những bài vè, rồi sau đó chuyển sang làm thơ theo thể tự do, lục bát, thơ 5,7 chữ đều có cả.

“Ngày con làm, tối mẹ ngồi chép lại được hai quyển sổ rồi. Khi thì viết thơ tặng mẹ, lúc gửi tặng đứa bạn hàng xóm. Hoặc đến các dịp lễ tết, Cường đều có những bài thơ nói về quê hương, đất nước. Thậm chí, có năm đến ngày tựu trường, nó còn làm bài thơ “Mừng các em đến trường” được các thầy cô giáo dạy trường làng đến xin về đọc cho học sinh nghe”, bà Vân nói về đứa con chịu nhiều thiệt thòi.

Đi vào gian nhà phía trong lấy hai tập thơ của con trai ra khoe với khách, người mẹ già nua với gương mặt khắc khổ lúc này mới thấy ánh lên vẻ tự hào. Bà cụ 75 tuổi còng lưng, mắt đã mờ, chân tay run, nhưng chữ viết vẫn rất đẹp. Bà cho hay: “Cường không biết viết nên tất cả những bài thơ trong này đều do tôi chép ra. Ban ngày nhẩm trong đầu, tối về khi tôi đã ngớt công việc, Cường đọc lại cho tôi chép vào quyển sổ. Nhiều khi ngồi viết mà nước mắt tôi trào ra”.  

Không được đào tạo bài bản, nhưng những bài thơ của anh Cường vẫn chững chạc, chín chắn, rất tình: “Con có tội gì đâu/mà không ngày đến lớp/đã 30 tuổi đầu/mẹ vẫn bê cơm đút/tuổi thơ con đâu mất/trong tận cùng nỗi đau/sao chân con không đủ/để vững vàng bước mau”.

Thơ của chàng trai tật nguyền còn có nhiều bài nói về hình ảnh người mẹ lam lũ, tảo tần. Dù chỉ nằm một chỗ nhưng anh cũng có rất nhiều bài thơ chiêm nghiệm về cuộc sống, về tình yêu lứa đôi. Trên hết, anh thường mượn thơ để nói về thân phận kém may mắn của mình cùng những khao khát cháy bỏng về một cuộc sống bình dị như bao người khác. Dường như những tâm tư, tình cảm của mình, anh đều mượn thơ để gửi gắm nỗi lòng.

Bà cụ mắt mờ, tay run nhưng vẫn ngồi chép thơ cho con trai
Bà cụ mắt mờ, tay run nhưng vẫn ngồi chép thơ cho con trai

“Tôi phải sống lạc quan”

Bà Vân là cựu thanh niên xung phong. Những năm chiến tranh (1965-1969), người nữ thanh niên xung phong ấy từng vác gạo, tải đạn trên các cung đường từ dốc Bò Lăn (Thanh Hóa) đến “cửa tử” Truông Bồn (Nghệ An).

Sau năm 1969 bà chuyển về làm công nhân Nhà máy xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Bà có tổng cộng 3 người con trai. Khi con trai đầu bị teo tóp chân tay, bà vẫn cố làm việc để có đồng lương nuôi gia đình. Rồi Cường cũng cảnh tật nguyền, vì quá thương con trai, bà xin nghỉ hưu non về chăm con.  

Năm 2004, chồng bà Vân mất càng khiến cuộc sống mấy mẹ con vất vả hơn. Một tay người mẹ khắc khổ ấy phải đút từng thìa cơm, thay quần áo, tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho đứa con gần 40 mà như đứa trẻ lên ba. Phải chạy bữa để sống qua ngày nên căn nhà dột nát, gần sập, hai mẹ con cũng không có khả năng sửa chữa.

Mãi tận đến năm 2016, một tổ chức từ thiện đã đứng ra quyên góp, ủng hộ, cộng với sự chung tay của chính quyền, bà con chòm xóm, mấy mẹ con mới có gian nhà mới để ở. Do thiếu vốn nên đến nay phần sân vẫn đang ngổn ngang gạch đá. 

Cuộc sống vật chất túng thiếu, nhưng niềm đam mê làm thơ vẫn cháy bỏng trong tâm hồn chàng trai khuyết tật. Đối với bà Vân, việc đứa con tật nguyền làm được thơ là niềm hạnh phúc quá lớn, át đi những nỗi buồn.

Hiện Nguyễn Bá Cường là tác giả của hơn 300 bài thơ. Ngoài được đăng bài thường xuyên trên Tạp chí Sông Mai (tạp chí văn học nghệ thuật của huyện Quỳnh Lưu), Cường có những tác phẩm đăng trên một vài tờ báo. Trong thời gian tới, Cường dự định xuất bản tập thơ đầu tay.  

Mới đây, anh Cường được một người tốt bụng tặng cho chiếc máy tính cũ. Sau thời gian mày mò, anh đã dùng ngón tay duy nhất còn cử động được bấm vào các bàn phím. Bà Vân không phải ngồi chép thơ như lúc trước nữa.

Nhờ máy tính kết nối mạng, hàng ngày Cường có thể xem các chương trình và diễn đàn thơ. Mỗi lúc như vậy, chàng trai ấy lại mê mẩn với niềm đam mê của mình. Nhìn con yêu đời, bà Vân lại thấy hạnh phúc lây. 

Anh Cường tâm sự: “Nhiều người thấy tôi thì tỏ vẻ e ngại, có thể còn nghĩ tôi là một phế nhân. Tôi chưa bao giờ phủ nhận điều điều đó. Nhưng, cũng nhờ vậy giúp tôi cố gắng phấn đấu nhiều hơn trong cuộc sống. Bố mẹ, gia đình đã hy sinh vì tôi rất nhiều, do vậy tôi phải sống lạc quan để mọi người không bận lòng vì mình”.