Bài toán khó cho doanh nghiệp thuỷ sản Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với đặc thù phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, hiện nay, không ít doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ tín dụng thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng mạnh, biến động tỷ giá, kinh tế thế giới suy thoái và lạm phát tăng cao. Điều đó đã làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và chi phí vốn của các doanh nghiệp ngành thuỷ sản.

Thách thức bủa vây

Hội thảo “Ngành thủy sản 2023, vừa diễn ra tại Cần Thơ với chủ đề: "Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng”, do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam và Trang Thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz (vietnambiz.vn) phối hợp cùng Greenpan Vietnam tổ chức, các chuyên gia nhận định rằng, sau giai đoạn tăng mạnh nửa đầu năm, giá trị xuất khẩu và lượng đơn hàng của các doanh nghiệp ngành thủy sản có xu hướng sụt giảm; dù đã vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm. Theo đó, nguyên nhân chính là do tác động của lạm phát toàn cầu tăng cao, sự chênh lệch tỷ giá cùng như Logistics vẫn là điểm yếu của phần lớn các doanh nghiệp, dẫn đến mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu từ Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn so với các đối thủ khác.

Thực trạng ‘đơn hàng giảm lãi suất tăng’ đã khiến nhiều doanh nghiệp thuỷ sản trong nước cảm thấy lo ngại về hoạt động sản xuất, kinh doanh từ nay đến hết năm 2023 - Ảnh minh hoạ.

Thực trạng ‘đơn hàng giảm lãi suất tăng’ đã khiến nhiều doanh nghiệp thuỷ sản trong nước cảm thấy lo ngại về hoạt động sản xuất, kinh doanh từ nay đến hết năm 2023 - Ảnh minh hoạ.

Đồng thời, lượng hàng tồn kho tăng cao trong khi lãi suất ngân hàng tăng mạnh, nguồn tín dụng thắt chặt, kinh tế thế giới suy thoái, sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ (như: Ecuador hay Ấn Độ) đã làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh, chi phí vốn của các doanh nghiệp. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thuỷ sản trong nước cảm thấy lo ngại về hoạt động sản xuất, kinh doanh từ nay đến hết năm 2023. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho thấy, có 71% trong tổng số 117 doanh nghiệp thuỷ sản đánh giá triển vọng của ngành thủy sản trong năm 2023 sẽ khó khăn; hơn 22% doanh nghiệp nhận định là rất khó khăn và chỉ khoảng 7% doanh nghiệp lạc quan vào bức tranh ngành thuỷ sản.

Nhằm xốc lại tinh thần cho các doanh nghiệp, ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP cho biết, sau đại dịch COVID – 19, tình hình xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đã phục hồi và đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tới cuối tháng 11 đã cán mốc 10 tỷ USD và hết năm 2022 dự báo cán mốc 11 tỷ USD; xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy. Ngoài ra, sau đại dịch, tất cả các thị trường xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam không ngừng tăng trưởng, bình quân 15% – 75%; trong đó Mỹ đã trở thành thị trường, đầu mối tiêu thụ thuỷ sản lớn của Việt Nam.

TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, trước bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp ngành thuỷ sản cần đề ra kế hoạch, chiến lược xuất khẩu hướng tới ba thị trường lớn là Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản thay vì chỉ mãi tập trung vào thị trường Trung Quốc.

TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, trước bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp ngành thuỷ sản cần đề ra kế hoạch, chiến lược xuất khẩu hướng tới ba thị trường lớn là Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản thay vì chỉ mãi tập trung vào thị trường Trung Quốc.

Cũng theo ông Hòe, hiện nay, các mặt hàng thuỷ sản ngày càng được yêu thích và trở thành nguồn cung cấp protein quan trọng của thế giới; trong khi Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thuỷ sản hiện đại. Điều này cho thấy, trong những khó khăn vẫn có những cơ hội, động lực để các doanh nghiệp ngành thuỷ sản của Việt Nam vượt qua khó khăn hiện tại.

Giải pháp thích ứng, chiến lược phát triển bền vững

Theo khảo sát, hiện có 75% doanh nghiệp ngành thuỷ sản kỳ vọng thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, qua đó sẽ giúp tình hình kinh doanh khả quan hơn trong năm 2023. TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta đánh giá: “Việc các doanh nghiệp nhận định và cầu mong vào thị trường Trung Quốc như trên là chưa đúng với bản chất của những khó khăn hiện tại. Bởi, Trung Quốc chỉ chiếm 15% thị phần xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, đồng thời mặt hàng thuỷ sản mà Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu là cá tra, vậy tại sao chúng ta lại kỳ vọng quá nhiều vào thị trường này; trong khi đó các thị trường khác chiếm 30% thị phần lại không được kỳ vọng. Tôi nghĩ chúng ta cần phải nhận định lại vấn đề và đề ra kế hoạch, chiến lược xuất khẩu thuỷ sản hướng tới Mỹ là thị trường số 1, Châu Âu và Nhật Bản là thị trường số 2 và sau đó là Trung Quốc”.

Theo bà Trương Thị Kim Liên, đại điện công ty cổ phần Mekong Logistics, để cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp ngành thuỷ sản cũng như mang lại hiệu quả cao trong hoạt động Logistics, ĐBSCL cần phải lưu tâm đến việc xây dựng trung tâm Logistics

Theo bà Trương Thị Kim Liên, đại điện công ty cổ phần Mekong Logistics, để cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp ngành thuỷ sản cũng như mang lại hiệu quả cao trong hoạt động Logistics, ĐBSCL cần phải lưu tâm đến việc xây dựng trung tâm Logistics

Cũng theo ông Hồ Quốc Lực, trong bối cảnh hiện nay với sức ép cạnh tranh thị phần xuất khẩu thuỷ sản từ các đối thủ lớn, các doanh nghiệp ngành thuỷ sản trong nước cần đánh giá lại những lợi thế và hạn chế của mình, từ đó phát huy được hết thế mạnh vốn có. “Đối thủ có sản lượng lớn, giá thấp cũng như gần với thị trường cao cấp Hoa Kỳ dẫn đến chi phí vận chuyển thấp, nên có lợi thế hơn Việt Nam;thế nhưng chúng ta cũng không hề thua kém vì có thế mạnh về công nghệ chế biến và con giống tốt. Vậy nên, để phát triển bền vững, chúng ta cần quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, có giải pháp để cải thiện nguồn nước; đồng thời, phải hướng tới chăn nuôi với quy mô lớn theo chuẩn ASC”, ông Lực cho biết thêm.

Về vấn đề quản trị hiệu quả hàng tồn kho nhằm cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động, đa phần các doanh nghiệp quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình xây dựng kho hàng. Với vấn đề trên, ông Đào Ngọc Long, Giám đốc điều hành Greenpan Vietnam cho biết, hiện nay, tấm Panel cách nhiệt PIR (Polyisocyanurate là sản phẩm cải tiến trong lĩnh vực cách nhiệt do Greenpan Vietnam sản xuất) được nhiều doanh nghiệp thuỷ sản ứng dụng trong quá trình xây dựng kho lạnh, xưởng sản xuất; sản phẩm có giá thành tốt, chất lượng và tính ứng dụng cao, nên phần nào giúp các doanh nghiệp thuỷ sản tiết kiệm kinh phí trong bối cảnh ‘đơn hàng giảm lãi suất tăng’.

Còn đối với giải pháp về Logistics, đại điện công ty cổ phần Mekong Logistics bà Trương Thị Kim Liên đề xuất, để cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp ngành thuỷ sản cũng như mang lại hiệu quả cao trong hoạt động Logistics, ĐBSCL cần phải lưu tâm đến việc xây dựng trung tâm Logistics. Tuy nhiên, để thực hiện được điều trên, phải có sự phối hợp đồng nhất giữa chính quyền, doanh nghiệp ngành thuỷ sản và doanh nghiệp Logistics.

Đọc thêm