Mất mùa, rớt giá…
Chị Hoàng Thị Bé (nhân vật đã đước đổi tên) (Thôn Hòa Bình, Thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) nhìn vườn tiêu đang ngả vàng rầu rầu cho biết, mỗi gốc bây giờ thu hoạch chắc được khoảng 1 kg nên đành bỏ, không chăm sóc nữa. Chỉ tính, nếu tiếp tục chăm sóc cùng với chi phí phân thuốc, công thu hoạch thì lỗ.
Tiêu chết cũng là thời ddiemr giá tiêu rớt thê thảm |
Thời tiêu được giá, đỉnh điểm 1kg tiêu có giá lên tới 260 nghìn/kg. Đó là vào năm 2015. Khi đó trung bình mỗi gốc tiêu cho thu hoạch 3- 4 kg, một số hộ trồng tiêu bón nhiều đạm để thúc năng suất, có gốc tiêu cho thu hoạch đến 7- 8 kg. Thương lái về tận vườn thu mua, chẳng ai nghĩ đến chuyện sơ chế, phân loại, đóng gói để được giá cao hơn…
“Thực ra khi đó, chúng tôi trồng cũng theo nhau mà trồng, thu hoạch ào ào, thương lái vào tận nơi thu mua…”- Chị Bé nhớ lại…
Câu chuyện “được mùa rớt giá” dường nhu không đúng với người nông dân trồng tiêu Tây Nguyên. Tiêu đổ bệnh chết không cứu vãn được cũng là lúc giá tiêu rớt thê thảm, người nông dân rơi vào cảnh nợ nần, bỏ xứ đi làm ăn xa…
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê nói về chu kỳ hình sin của hồ tiêu và cho rằng đây đang là thời điểm đáy của hình sin. “Chắc phải 3 năm nữa giá tiêu mới phục hồi…”, ông Bính dự đoán.
Tuy nhiên, trong vòng xoáy của chu kỳ tưởng như không cưỡng lại được, vẫn có những người nông dân “sống khỏe” với sản phẩm của mình…
Mỗi gói hạt tiêu 100 g có giá bán bằng cả 1kg tiêu thu mua tại vườn |
Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, thời đỉnh điểm, diện tích trồng tiêu trên toàn tỉnh đã lên tới 16.300 ha, trong đó 2,6% diện tích sản xuất theo chuỗi liên kết với DN và có 64ha tiêu đã nhận được chứng nhận sản xuất hữu cơ. “Tỉnh không đặt mục tiêu tất cả diện tích chuyển sang trồng hữu cơ, nhưng tỉnh luôn khuyến khích các hộ dân phát triển các mô hình sản xuất bền vững, liên kết với DN để gia tăng giá trị cho sản phẩm…”- Lãnh đạo Sở NN&PTNT Gia Lai khẳng định.
Phát triển bền vững
Tại thủ phủ hồ tiêu Gia Lai, giữa lúc rất nhiều hộ trồng tiêu lao đao vì tiêu thì vẫn có những hộ dân “sống khỏe” vì thứ gia vị vẫn chưa thông dụng này.
Cầm trên tay lọ tiêu mang thương hiệu Tiêu Lệ Chí của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (Đăk Đoa, Gia Lai), chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không chỉ thương hiệu có gần 60 năm lịch sử hình thành và phát triển đã được HTX Nam Yang phục hồi, được đăng ký bảo hộ mà những lọ tiêu bé bé, xinh xinh này có giá không hề rẻ, gấp 5- 10 lần gói tiêu mà chúng tôi đã nhìn thấy tại của hàng bán đặc sản Gia Lai ở Pleiku.
Trong mỗi lọ tiêu đều có máy xay nhỏ khá tiện dụng, có mã QR để truy xuất nguồn gốc. Tiêu Lệ Chí được trồng hữu cơ theo chuỗi giá trị có liên kết với DN, và không chỉ có tiêu đen truyền thống, HTX Nam Yang con có tiêu đỏ, tiêu vàng nổi tiếng nhờ công đoạn sơ chế.
Tiêu Lệ Chí- sản phấm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang |
Anh Nguyễn Tấn Công – Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang cho biết, ngay cả khi người trồng tiêu điêu đứng vì mất mùa, rớt giá, mặc dù bị ảnh hưởng song nhiều diện tích trồng tiêu của xã viên vẫn giữ ổn định do trồng hữu cơ và HTX không có chuyện tồn kho do nhu cầu sử dụng tiêu hữu cơ rất cao. Giá tiêu hữu cơ cao hơn tới 150-200% so với hồ tiêu thông thường nhưng làm ra đến đâu bán hết đến đó. Nhờ trồng tiêu hữu cơ, các thành viên HTX đều có cuộc sống khá giả, riêng các hộ đã nhận được chứng nhận hữu cơ, doanh thu đều đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Cũng tại Đắk Đoa, mô hình trồng cà phê sạch của anh Đoàn Anh Tuấn (thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai), Giám đốc Điều hành HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang cũng đang khẳng định hướng đi mới gia tăng giá trị cho loại nông sản này. Thay vì thu hoạch đại trà sau đó phơi khô trên sân, xay xát tách vỏ thì cách làm của anh Tuấn là thu hoạch cà phê khi đã chín đỏ, phơi trên liếp tre thoáng, lựa chọn quả đồng đồng đều sau mỗi công đoạn… Với cách làm đó, cà phê của hộ nông dân này luôn có giá cao gấp đôi giá thông thường và làm đến đâu hết đến đó…
Cà phê được thu hoạch khi đã chính đỏ và phơi trên liếp tre, chọn lựa sau từng công đoạn cho giá trị cao hơn cách thu hoạch thông thường |
“Hiện tại, em đang phụ trách một nhóm các bạn trẻ để hướng dẫn cách làm cà phê theo phương pháp mới này. Từ các bạn trẻ, mô hình trồng, thu hoạch, sơ chế cà phê theo cách mới mang lại giá trị cao hơn so với cách làm cũ sẽ khiến bà con tin tưởng làm theo, nâng cao giá trị cây cà phê, nhất là giai đoạn hiện nay giá cà phê đang rớt ảnh hưởng đến mức sống của người trồng cà phê tại Gia Lai nói riêng và tại Tây Nguyên nói chung”, Tuấn tâm sự.
Theo ông Hoàng Phước Bính, – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, cho đến nay chinh sách của nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp nói chung khá đầy đủ, như: Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ… Nhưng hầu như DN và người nông dân vẫn chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đó; Thậm chí Nghị định 57/2018/NĐ-CP vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn.
Theo đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, để gia tăng giá trị cho nông sản nói chung, bên cạnh việc giải bài toàn về thị trưởng và sự chủ động của DN, hộ nông dân, các chính sách của nhà nước cần thực sự đi vào cuộc sống…