Thương hiệu Tiêu Lệ Chí |
Sau bốn năm 2014-2017 là mặt hàng trong “top” nông sản xuất khẩu (XK) tỷ USD, “bão giá” triền miên đã chính thức khiến hồ tiêu Việt bật khỏi “top” tỷ USD trong hai năm liên tiếp 2018 và 2019.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, vào năm 2013-2014 khi giá hồ tiêu cao nhất, khoảng 230.000 đồng/kg, người nông dân ở các địa phương mở rộng diện tích tiêu. Thậm chí, tiêu còn được trồng ở cả những diện tích không đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Cung hồ tiêu cao hơn cầu nên giá sẽ thấp.
Chỉ riêng tại Gia Lai, ông Vũ Ngọc An, PGĐ Sở NN&PTNT Gia Lai cho hay: Khi tiêu được giá thì dù quy hoạch, khuyến cáo ra sao người dân cũng vẫn đổ xô làm tiêu. “Bên cạnh đó, phải nói thêm rằng khi tiêu được giá, người trồng tiêu còn tập trung bón nhiều phân vào gốc để tăng năng suất tới mức 8-9 kg/gốc. Bị thúc quá nhiều khiến cây sinh ra nấm bệnh, sau đó rơi vào tình trạng chết nhanh, mất diện tích”, ông An nói.
Nhìn về tổng thể sản xuất, XK hồ tiêu trong năm 2019, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nêu rõ: Khối lượng XK hồ tiêu ước đạt 284.000 tấn và 715 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với 2018. Năm 2019, giá XK hồ tiêu bình quân ước đạt 2.516 USD/tấn, giảm tới 23,6% so với 2018.
Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá tiêu giảm do nguồn cung tăng trên toàn cầu. Tuy nhiên, riêng ở Việt Nam, chất lượng một phần hạt tiêu bị ảnh hưởng từ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá mức nên giá giảm hơn so với hạt tiêu một số quốc gia khác. Năm năm trước đây, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. Hai năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng và chất lượng. Trong đó tiêu Brazil có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Trong bức tranh màu xám của phát triển hồ tiêu, vẫn đang le lói những đốm lửa nhỏ để giữ và phát triển ngành hàng này theo hướng mới. Ví dụ chuyện của ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang Tiêu Lệ Chí (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai).
Ông Nguyễn Tấn Công |
HTX hình thành từ tháng 7/2017 với 15 thành viên ban đầu và tổng vốn điều lệ chỉ 55 triệu đồng, trồng diện tích 50 ha tiêu và 40 ha cà phê. Đến nay HTX có 80 thành viên, trồng tổng diện tích hồ tiêu là 100 ha, trong đó có 16 ha hồ tiêu có chứng nhận hữu cơ. Năm 2019, trong khi giá hồ tiêu xuống dưới giá thành, chỉ xung quanh mức 40.000-45.000 đồng/kg thì hồ tiêu hữu cơ của HTX vẫn bán được mức giá 100.000 đồng/kg.
“HTX không có chuyện tồn kho hồ tiêu. Giá tiêu hữu cơ bán được cao hơn hẳn 150-200% so với hồ tiêu thông thường. Niên vụ 2018-2019, gia đình tôi có 5 ha trồng hồ tiêu và doanh thu thu về là hơn 1 tỷ đồng. Hiện tiêu của HTX chủ yếu bán cho doanh nghiệp. Thị trường nội địa khá tốt và thậm chí HTX có cả đối tác xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi không tham vọng xuất nhiều, chỉ làm hàng số lượng vừa phải nhưng chất lượng tốt, bán được giá cao và định hướng xây dựng thương hiệu của mình tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản..”, ông Công nói.
Ông Công nhấn mạnh: HTX không yêu cầu tất cả xã viên làm tiêu hữu cơ. Quan trọng là các hộ dân cần làm tiêu theo hướng đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đó mới là hướng phát triển vững bền cho ngành hàng này.
Về hướng đi vững bền cho ngành hồ tiêu, Bộ NN&PTNT nhận định, quan trọng là cần khắc phục vấn đề diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt; sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện; tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế…