'Bài toán' tinh gọn bộ máy

(PLVN) - Thời gian qua, việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở một số địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực, bước đầu giải quyết tình trạng cồng kềnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc tổ chức thực hiện trong thực tế vẫn còn lúng túng và thiếu đồng bộ.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình): “Nếu cứ để các tỉnh chủ động sáp nhập có thể dẫn đến làm tùy tiện. Thậm chí nó có thể mang động cơ cá nhân chứ chưa nói đến là làm tốt hay chưa tốt”.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình): “Nếu cứ để các tỉnh chủ động sáp nhập có thể dẫn đến làm tùy tiện. Thậm chí nó có thể mang động cơ cá nhân chứ chưa nói đến là làm tốt hay chưa tốt”.

Chấp nhận va chạm để cải cách

Chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần tại các Nghị quyết của Ban Chấp hành TƯ Đảng (khóa XII) được nhân dân và cử tri cả nước đánh giá cao. Trên cơ sở này, trong năm 2018, nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị đã triển khai mạnh mẽ việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Ở cấp bộ, Đảng bộ Công an Trung ương được đánh giá là một trong những Đảng bộ gương mẫu đi đầu, là điểm sáng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 6, 7 khóa XII. 

Cụ thể, theo Báo cáo tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2018 của Bộ Nội vụ, trong năm qua, lần đầu tiên Bộ Công an đã sắp xếp, bỏ sáu tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng; sáp nhập 20 Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy vào Công an cấp tỉnh; đồng thời, giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng thuộc Công an tỉnh, gần 1.000 đơn vị cấp đội thuộc Công an huyện. Sáu Trung tướng không còn giữ chức Tổng cục trưởng, các chức danh Tổng cục phó được sắp xếp lại theo hướng có những lãnh đạo tổng cục làm cục trưởng. 

Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã giảm 14 đơn vị cấp phòng thuộc vụ và tương đương; Bộ Tài chính giải thể 43 phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; Tổng cục Hải quan đã cắt giảm được 239 đội, tổ thuộc các chi cục hải quan và đơn vị tương đương…

Tại địa phương, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện nhất thể hóa về lãnh đạo quản lý, sáp nhập các cơ quan Đảng và chính quyền có cùng chức năng, nhiệm vụ. Tỉnh này đã hợp nhất hàng loạt cơ quan cấp huyện, sau khi được hợp nhất, các đơn vị này chỉ có một thủ trưởng và không quá hai cấp phó.

Vào đầu tháng 11/2018 vừa qua, Bạc Liêu cũng tiến hành sáp nhập một số sở có chức năng tương đồng. Theo đó, kết thúc hoạt động của Sở Ngoại vụ, chuyển chức năng, nhiệm vụ của Sở này về Văn phòng UBND tỉnh; hợp nhất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông để thành lập Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; hợp nhất Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ…

Sau khi sắp xếp, sáp nhập, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bạc Liêu còn 16 đơn vị, giảm ba cơ quan chuyên môn, giảm 22 tổ chức bên trong (các phòng, ban). 

Nhiều ý kiến cho rằng, “cuộc cách mạng” về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là vô cùng phức tạp và nhạy cảm, bởi nó “động chạm” đến lợi ích của từng con người, thậm chí có cả lợi ích nhóm và lợi ích cục bộ.

Tuy nhiên, những kết quả trong thời gian vừa qua đã phần nào trả lời được câu hỏi mà dư luận quan tâm, đó là chúng ta đã quyết tâm chấp nhận va chạm, chấp nhận “hy sinh” để từng bước cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước.

Vẫn thiếu cơ sở pháp lý

Việc tinh gọn bộ máy, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế từ các địa phương đã cho thấy chưa có sự đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trong việc sắp xếp, hợp nhất các cơ quan, tổ chức. 

Để đạt mục tiêu giảm ít nhất 10% biên chế vào năm 2021 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, một số địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế một cách máy móc, cơ học. Đặc biệt là “bài toán” nơi thừa, nơi thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết một cách hài hòa, hợp lý, khiến hàng ngàn giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc, trong số đó có cả những thầy cô là giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. 

Tình trạng này xảy ra một cách phổ biến tại nhiều địa phương, như Hải Dương, Hà Nội, Đắk Lắk, Cà Mau... Trong khi số lượng học sinh ngày càng tăng, đòi hỏi số giáo viên đứng lớp càng nhiều, nhưng vì lý do phải thực hiện theo kế hoạch, chỉ tiêu... nên các trường vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do các địa phương, các trường học đã ký hợp đồng chưa đúng quy định, còn cơ quan quản lý lại không sâu sáp kiểm tra thường xuyên. Chính điều này đã để lại nhiều băn khoăn, trăn trở không chỉ của nhân dân, của cử tri mà cả các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi thảo luận tại nghị trường. 

Tại Kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV diễn ra vào cuối tháng 10/2018, nhiều ĐBQH đánh giá chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là một chủ trương đúng đắn, bước đầu có những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể, cũng như thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc tổ chức thực hiện và triển khai trong thực tế thời gian qua ở các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, mỗi nơi làm một cách khác nhau; việc giảm đầu mối và tinh giản bộ máy còn nặng tính cơ học, trong khi chúng ta lại chưa tổ chức thí điểm mô hình tổng kết đánh giá để nhân lên diện rộng. 

“Ví dụ như việc sáp nhập giữa cơ quan Đảng với cơ quan nhà nước. Việc sáp nhập các phòng, ban, sở ngành một số tổ chức chính trị và nghề nghiệp... chưa được tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật... Đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo đồng bộ để thực hiện thống nhất trên toàn quốc”, ĐBQH Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ) kiến nghị. 

Nêu lên những nguyên nhân chính của tình trạng bất cập trong tinh gọn bộ máy, ĐBQH Phạm Xuân Thăng (Đoàn Hải Dương) cho rằng đó là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách bộ máy hành chính của Nhà nước còn chậm.

Do đó, đại biểu này đề nghị các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế. Việc làm đó để làm cơ sở pháp lý cho chủ trương cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, nhất thể hóa một số chức danh, đặc biệt là việc hợp nhất một số cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, ĐBQH Bùi Văn Phương (Đoàn tỉnh Ninh Bình) thừa nhận: thời gian qua có hoạt động sáp nhập giữa sở này với sở khác, như Tài chính với Kế hoạch đầu tư, nhưng căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật nào để làm thì lại chưa có.

“Một nhà nước pháp quyền thì phải tuân thủ pháp luật, thậm chí có tình trạng lạm dụng sáp nhập. Tôi nghĩ sáp nhập là cần thiết nếu chức năng nhiệm vụ có trùng lắp, chồng chéo. Nếu không chồng chéo, không trùng lắp mà vẫn tiến hành sáp nhập thì thành sáp nhập cơ học. Như vậy có thể sẽ giảm được một số vị trí, nhưng hiệu quả hoạt động sẽ như thế nào?”, ông Phương trăn trở.

Tránh cầu toàn và nóng vội

Từ những bất cập trên, ngày 5/12/2018, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi UBND các tỉnh thành đề nghị tạm dừng việc sắp xếp, sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện trong khi chờ Chính phủ ban hành hai Nghị định mới. 

Theo nội dung công văn này, để sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn theo tinh thần Nghị quyết số 18 Hội nghị TƯ 6 khóa XII và Kết luận số 34 của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, trình Chính phủ và báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ ngày 3/12, trong khi Chính phủ chưa ban hành hai Nghị định nêu trên, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh thành tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện”, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết.

Và để tìm ra giải pháp khắc phục cũng như định hướng triển khai trong thời gian tới, vào những ngày cuối năm 2018, Ban Bí thư TƯ Đảng đã họp, cho ý kiến về kết quả năm đoàn của Ban Bí thư kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành TƯ Đảng Khóa XII và Kết luận số 64 của Ban Chấp hành TƯ khóa XI.

Sau khi phân tích tình hình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tinh gọn bộ máy, biên chế là việc khó, nhạy cảm, phức tạp. Bởi vậy, ông yêu cầu phải có thời gian để thực hiện. Việc kiểm tra bước đầu có tính chất thúc đẩy công việc, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động khẩn trương, quyết liệt, cho một số kết quả cụ thể, qua đó phát hiện một số vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ, uốn nắn để làm tốt hơn.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trên thực tế đã bộc lộ hai khuynh hướng: cầu toàn và nóng vội, do đó cần tránh hai khuynh hướng này trong quá trình chỉ đạo thực hiện. Phải làm chắc chắn, bài bản, hiệu quả cụ thể, không để xảy ra lộn xộn. Cần tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, giảm trung gian, giảm biên chế, giảm cấp phó.

Đồng thời tính toán giải quyết, cán bộ dôi dư thì đi đâu? Sáp nhập thì cơ sở vật chất thế nào? Tinh thần là cái gì đã chín, đã rõ thì làm, cái gì khó khăn, vướng mắc thì tiếp tục tháo gỡ, giải quyết, từ đó rút kinh nghiệm chung để lưu ý cảnh báo cho các địa phương khác.

Đọc thêm