Bài toán về cơ chế phòng ngừa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và báo cáo của hai cơ quan VKSNDTC và TANDTC về công tác năm 2021 có lẽ là những báo cáo được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm ở các kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
Bài toán về cơ chế phòng ngừa

Năm nay Báo cáo của Chính phủ có nhiều điều để mừng. Trước hết là, làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng; khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận. Các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ đạt tỷ lệ cao, trong đó án đặc biệt nghiêm trọng đạt hơn 96%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm.

Thứ hai, công tác phòng, chống tham nhũng, buôn lậu đã chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý; nhất là đấu tranh với các vi phạm trong buôn bán các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.

Thứ ba, việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, còn đó nỗi lo, khi tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vẫn diễn ra rất phức tạp, nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19. Trong khi cả nước gồng mình, dành nhân tài, vật lực, huy động sự đóng góp của xã hội thì vẫn có những kẻ lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để trục lợi. Nỗi đau nhân lên nhiều lần.

Đầu tư công, đất đai là hai lĩnh vực xảy ra nhiều tham nhũng nhất. Điều này cho thấy nhiều vấn đề, nhưng điều đáng nói ở góc độ quản lý là luật pháp còn bộc lộc nhiều sơ hở, thiếu sót. Hệ thống pháp luật về đầu tư công vẫn chồng chéo, phạm vi điều chỉnh rộng nhưng chưa rõ ràng, dẫn đến hiệu quả quản lý nguồn vốn nhà nước chưa cao, dễ lãng phí, tham nhũng… Luật Đất đai 2013 sau gần 10 năm có hiệu lực đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến việc mập mờ trách nhiệm quản lý. Những kẽ hở đang tồn tại trong Luật quan trọng này đang là mầm mống phát sinh tham nhũng, tiêu cực. “Người sinh, đất không đẻ”, đất đai đang là “đích ngắm” quan trọng nhất của “lợi ích nhóm”, tội phạm tham nhũng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẳng thắn nhận định công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.

Chỉ riêng điều đó cho thấy, để xây dựng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, “không thể tham nhũng” như kỳ vọng phải tập trung xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, về phòng chống tham nhũng nói riêng và hệ thống luật phát về kinh tế nói chung.

Đọc thêm