Bám sát sự thay đổi của thị trường để không thất nghiệp

(PLO) - Đó là yêu cầu rất thiết thực cho các học sinh phổ thông khi lựa chọn con đường hướng nghiệp và các sinh viên ra trường lựa chọn việc làm. Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường còn cao, với hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Đáng buồn là tỷ lệ thất nghiệp của những người được đào tạo gia tăng hàng năm, nhất là trình độ cử nhân đại học, cao đẳng.
Thị trường đòi hỏi người lao động phải tự trang bị đầy đủ các kỹ năng nghề nghiệp
Thị trường đòi hỏi người lao động phải tự trang bị đầy đủ các kỹ năng nghề nghiệp

Đào tạo kiểu “bong bóng” và sự “mơ màng” của sinh viên 

Mỗi năm, cả nước có hàng chục ngàn cử nhân (đại học, cao đẳng) và học viên các trường nghề tốt nghiệp và bổ sung vào lực lượng thất nghiệp của thị trường lao động, trong đó hơn 60% sinh viên thất nghiệp vì thiếu kỹ năng. Ngoài nguyên nhân về nền kinh tế, sự phát triển của thị trường lao động, thì chất lượng đào tạo còn hạn chế, nhất là đại học, dạy nghề chuyển biến chậm, chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội chính là nguyên nhân được đưa ra “mổ xẻ” nhiều nhất. 

Theo các chuyên gia trong ngành Giáo dục, sự bùng nổ của các cơ sở đào tạo với các chuyên ngành được cho là “hot” như quản trị kinh doanh, maketting, ngân hàng, tài chính, kế toán, luật… đã khiến cho đội quân thất nghiệp ngày càng đông đảo do nguồn cung lao động vượt quá khả năng đáp ứng của thị trường.

Cùng với đó, đa số những cử nhân đều quyết “bám trụ” ở các thành phố lớn nên trong khi ở nhiều địa bàn thiếu nguồn nhân lực có trình độ thì ở các thành phố lớn, không thiếu cử nhân đi phát tờ rơi, đưa hàng, tiếp thị sản phẩm… Đấy là chưa kể những trường hợp phải “giấu bằng cấp” để xin được một chân bán hàng siêu thị, công nhân may… để chờ cơ hội có được việc làm ổn định tại thành phố.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của những người qua đào tạo cử nhân cao còn do việc lựa chọn ngành học của sinh viên đa phần rất “cảm tính”, không có sự cân nhắc về khả năng bản thân, diễn biến nhu cầu thị trường. Nên có giai đoạn ra đường là gặp cử nhân quản trị kinh doanh, maketting, ngân hàng, tài chính… Hơn nữa, trong quá trình đào tạo, sinh viên lại không được trang bị đầy đủ, đồng đều các kỹ năng cho công việc tương lai, nhất là trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin… và các kỹ năng làm việc hiện đại. 

Trong thời gian qua mặc dù Chính phủ đã đầu tư rất nhiều vào các trường đại học quốc gia nhưng kết quả không có gì khả quan khi lượng sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp. Lý giải tình trạng này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Ngọc Phương (Đoàn Tây Ninh) cho rằng việc đào tạo, nhất là ở các trường ngoài công lập “không đúng và trúng” vì các trường ngoài công lập sẵn sàng cấp bằng vì lợi nhuận nên “số người tốt nghiệp cao nhưng không có kỹ năng để làm việc”.

Tâm lý “chạy theo thành tích” trong giáo dục – đào tạo diễn ra nhiều năm đã tạo ra những sản phẩm không đủ chất lượng, dẫn đến hậu quả đầu ra của đội ngũ nhân lực nước ta yếu và nền giáo dục Việt Nam ngày càng tụt hậu.

Không năng động tỷ lệ thất nghiệp càng tăng

Kết quả tại Điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2015 với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, mặc dù đa số lao động trẻ (58,6%) làm công việc được trả lương, song hơn 1/3 thanh niên vẫn làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự làm hoặc lao động làm cho gia đình không được trả lương; và gần một nửa thanh niên làm việc được trả lương nhưng không có hợp đồng bằng văn bản. 

Khoảng 80% lao động trẻ làm các công việc phi chính thức – những công việc thiếu tiếp cận bảo trợ xã hội và sự bảo vệ về pháp luật căn bản, cũng như các quyền lợi của người lao động. Đó là một phần do sức ép từ tình trạng thất nghiệp khiến người lao động trẻ phải chấp nhận mọi loại hình công việc không phù hợp bằng cấp để có thu nhập. Giám đốc ILO Việt Nam đã nhận định, việc đảm bảo việc làm chất lượng cho thế hệ trẻ vẫn là thử thách lớn của Việt Nam. 

Dự báo, lực lượng lao động Việt Nam sẽ tăng từ 55,5 triệu người năm 2016 lên 62 triệu vào năm 2025. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 chỗ làm việc và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là một hướng để tăng năng suất lao động. Toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đem đến nhiều thách thức về giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động của Việt Nam.

Theo nghiên cứu mới nhất của ILO: 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa. Trong khi đó, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện – điện tử có thể bị thay thế bởi robot. Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dự báo, trong 5 – 10 năm tới, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động đặt ra rất bức xúc khi tự động hóa sẽ kéo theo tình trạng mất việc làm gia tăng, đây là bài toán ra rất nan giải.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội lưu ý, thị trường lao động đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng đòi hỏi lao động phải năng động, có trình độ, bám sát hơn với sự thay đổi từng giờ, từng ngày của nền kinh tế - xã hội. Sinh viên đang theo học và những sinh viên ra trường nếu không lưu ý và đáp ứng được các yêu cầu của thị trường thì con số hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng trước tốc độ hội nhập và cơ giới hóa mạnh mẽ.

Đọc thêm