Lương cao hơn, thưởng thấp hơn
Năm 2016, Bộ Lao động điều tra tình hình lao động, tiền lương của 2000 doanh nghiệp (DN), quy mô bình quân 360 người/DN tại 18 tỉnh, thành trọng điểm của cả nước. Kết quả cho thấy tiền lương, thu nhập có xu hướng ổn định và tăng so với năm 2015.
Cụ thể, tiền lương bình quân năm 2016 đạt 5,71 triệu đồng/tháng, tăng 7,5% so với năm 2015. Lương bình quân tại DN nhà nước là 7,08 triệu đồng/tháng, tại DN cổ phần có vốn nhà nước khoảng 6 triệu đồng/tháng. Lương bình quân tại DN dân doanh (gồm các loại hình công ty và doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh công thương nghiệp cá thể, trang trại…) ước đạt 5,47 triệu đồng/tháng, và lương tại DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 5,69 triệu đồng/tháng. So sánh chung nhận thấy lương tại DN dân doanh có mức tăng cao nhất (10,06%) so với năm trước.
Về thu nhập bình quân năm 2016 ước đạt 6,03 triệu đồng/tháng (năm 2015 là 5,72 triệu đồng/tháng). Thu nhập bình quân cao nhất thuộc về khối DN nhà nước ở mức 7,75 triệu đồng/tháng. Trong khi thấp nhất thuộc về các doanh nghiệp FDI là 6,74 triệu đồng.
Về thưởng Tết, dịp Tết dương lịch vừa qua có 70% DN báo cáo có phương án thưởng Tết. Mức thưởng bình quân là 1,2 triệu đồng/người. Người có mức thưởng cao nhất là 1 tỷ đồng thuộc về DN FDI tại TP HCM. Dịp Tết âm lịch, mức thưởng bình quân khoảng 1 tháng lương (khoảng 4,9 triệu đồng)/người. Mức thưởng này thấp hơn năm trước (5,1 triệu đồng).
Người có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất năm nay làm việc tại DN dân doanh ở TP HCM với mức thưởng 1 tỷ đồng. Trong khi đó, một DN dân doanh ở Bến Tre, doanh nghiệp FDI tại Thái Bình, Tây Ninh và Hải Dương chỉ thưởng Tết Nguyên đán 50 ngàn đồng/người.
Ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Lao động - Tiền lương cho biết, hiện luật quy định tiền lương là khoản bắt buộc DN phải quy định đầy đủ cho người lao động. Còn tiền thưởng là khoản khuyến khích mà người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau trong hợp đồng. Vì quy định của pháp luật như trên nên tiền thưởng nói chung, tiền thưởng Tết nói riêng có nơi cao, nơi thấp do các bên thỏa thuận với nhau. Hoặc phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của từng DN cũng như cống hiến của người lao động.
Trước ý kiến cho rằng nên đưa việc thưởng Tết vào quy định, ông Lai cho biết nước ta đang chuyển đổi cơ chế chính sách theo nguyên tắc thị trường dựa trên thỏa thuận giữa lao động và người sử dụng lao động. Hơn nữa, kinh nghiệm quốc tế chưa thấy quốc gia nào quy định trong luật phải có tiền thưởng hay thưởng Tết. Và Việt Nam cũng đang đi theo hướng đó: “Quan điểm của tôi là không nên thể chế, đưa vào luật bởi nó rất cứng. Chúng ta đã giao quyền cho hai bên thì họ tự thỏa thuận sẽ linh hoạt hơn”.
Chưa đề nghị bỏ quy định nghỉ cho con bú
Câu hỏi khác được gửi đến Bộ Lao động tại buổi gặp gỡ, đó là về dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động (BLLĐ). Có hay không việc bỏ quy định lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn hưởng đủ lương; người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa?
Trả lời những câu hỏi trên, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động) cho rằng người sử dụng lao động (giới chủ) luôn mong muốn tiết kiệm chi phí càng nhiều càng tốt, tích lũy lợi nhuận để mở rộng sản xuất. Ngược lại, người lao động luôn mong muốn chế độ ngày càng cao. Do đó, luật cần quy định hài hòa. Qua tổng kết 3 năm thi hành BLLĐ có nhiều DN tại các địa phương đề nghị bỏ các quy định trên, lý do bởi lao động nữ đã được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng. Mặt khác, những quy định nói trên bị giới chủ cho rằng khó thực hiện, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất và tạo thêm gánh nặng cho DN.
Ông Bốn khẳng định đó chỉ là ý kiến của các DN, được ban soạn thảo ghi nhận, tập hợp lại. Trong quá trình soạn thảo còn rất nhiều thời gian xin ý kiến, đánh giá tác động. “Tinh thần chung là những điều khoản đã quy định mà thực hiện ổn định lâu dài đảm bảo quyền con người, quyền công dân thì phải giữ lại, dù nó có tác động đến xã hội bởi mục đích cuối cùng là vì người lao động, vì con người, vì thế hệ mai sau”, ông Bốn nói.
Đồng quan điểm, một Thứ trưởng Bộ Lao động tham dự cuộc gặp lưu ý tổ biên tập lưu ý cân đối quyền, nghĩa vụ các bên trong việc trình dự thảo sửa đổi BLLĐ. Mục tiêu chung là giúp người lao động tốt lên. Chẳng hạn như việc cho con bú dưới 12 tháng tuổi liên quan đến sự phát triển của trẻ sơ sinh. Do đó, tổ biên tập phải cân nhắc kỹ lưỡng, tham mưu chính xác cho ban soạn thảo.