Bằng nhiều nguồn lực và các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ sở vật chất và hạ tầng từ tỉnh đến cơ sở, vùng Tây Bắc nói chung và 6 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng đã có bước phát triển mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân có bước cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, trình độ dân trí nên tỉ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc vẫn cao gấp 2,7 lần bình quân cả nước. Nếu xét theo tiêu chí mới về chuẩn nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn nhiều.
Nhiều giải pháp giúp giảm nghèo nhanh tại 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc đã được các đại biểu đưa ra như: cần chuyển một số chính sách cho không, cấp không sang chính sách cho vay ưu đãi theo nguyên tắc hỗ trợ có điều kiện để người dân có ý thức bảo toàn vốn, tránh tư tưởng ỷ lại; ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất để giúp các huyện nghèo giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc một cách bền vững trên cơ sở phát triển khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng một cách toàn diện; cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của cả vùng và mỗi địa phương, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế đầu tư vào Tây Bắc; thực hiện liên kết sản xuất, liên kết ngang, liên kết dọc, liên kết giữa 4 nhà tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn trong vùng.
Phó Thủ tướng yêu cầu nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo, xây dựng chương trình phát triển bền vững vùng Tây Bắc.