(PLO) - Ủy ban ATGT Quốc gia đã mang đến "Ngày Hội An toàn giao thông (ATGT) đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc năm 2015" chiếc mũ bảo hiểm đặc biệt dành riêng cho phụ nữ Thái có búi tằng cẩu.
Đây là sáng tạo được đánh giá rất cao vì giúp phụ nữ Thái có búi tằng cẩu vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa nhưng khá thuận tiện trong đội mũ khi tham gia giao thông.
Ngày 31/10/2015, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Sơn La long trọng tổ chức "Ngày Hội An toàn giao thông (ATGT) đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc năm 2015". Ngày Hội đã ghi nhận nhiều giải pháp được đặt ra mang tính thiết thực, phát huy hiệu quả cao trong thời gian qua trong công tác đảm bảo (ATGT)
Tây Bắc là địa bàn rộng lớn quy tụ 20 dân tộc khác nhau, giao thông phức tạp, thường xuyên xảy ra những tai nạn thương tâm một phần do ý thức chấp hành quy định ATGT của người dân còn hạn chế. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 10 tháng đầu năm 2015, toàn quốc xảy ra 18.437 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.185 người, bị thương 16.755 người. So với năm 2014 đã giảm 2.364 vụ (11,36%), giảm 290 số người chết (3,88%), giảm 3.218 người bị thương (16,11%).
|
Ngày Hội An toàn giao thông (ATGT) đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc năm 2015 |
Từ đầu năm tới nay, riêng 6 tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai và Sơn La) xảy ra 618 vụ tai nạn, làm chết gần 310 người, giảm 17,5% so với năm 2014. Như vậy, khu vực này đã đạt mục tiêu giảm tại nạn ATGT về cả 3 tiêu chí.
Tuy nhiên, mục tiêu giảm mạnh tai nạn ATGT vùng Tây bắc vẫn là một trăn trở của các cấp các ngành, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết.
Vẫn theo ông Hùng, tai nạn ATGT tại 6 tỉnh Tây Bắc hiện nay vẫn khá phức tạp, số người chết và bị thương vẫn còn ở mức cao. Tại nhiều địa bàn, bà con dân tộc vẫn uống bia rượu khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định...
Với địa hình giao thông hiểm trở nhiều đèo dốc, thậm chí nhiều vùng chưa có được lớn để đi, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Gây nên nhiều mất mát thương tâm cho các gia đình. Đẩy mạnh trách nhiệm quản lý, tuần tra kiểm soát, tuyên truyền cho người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành ATGT là trách nhiệm lớn đạt ra cho các cấp chính quyền.
|
Đồng bào 6 tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai và Sơn La) nô nức tham gia ngày hội ATGT |
Nhiều giải pháp được đặt ra mang tính thiết thực, đã phát huy hiệu quả cao trong thời gian qua. Ngoài tăng cường công tác tuyền truyền, các đại bàn cơ sở còn sáng tạo ra nhiều cách làm hay, giảm thiểu rõ rệt tai nạn giao thông. Cán bộ tuyên truyền phải biết tiếng dân tộc, nâng cao vai trò tuyên truyền của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, kiên quyết không bình xét gia đình văn hóa cho những gia đình có người vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.
Tại Sơn La, mô hình “Thanh niên với văn hóa giao thông” của Đoàn Thanh niên, mô hình thực hiện ATGT do Mặt trận tổ quốc tỉnh được phát động sâu rộng đến từng thôn bản. Tại các trường học, học sinh luôn được học, phổ biến các quy định ATGT. Nhờ vậy đã giảm thiểu tai nạn trên cả 3 tiêu chí.
“Đề nghị các Ban ATGT của không chỉ 6 tỉnh Tây Bắc tiếp tục bám sát địa bàn, phát huy các sáng kiến mới trong công tác truyên truyền an toàn giao thông, đặc biệt bà con dân tộc hiểu thiết thực và bền vững. Đây không phải là việc làm có thể thực hiện ngày một ngày hai, mà cần sự nỗ lực lâu dài của các cấp ngành địa phương, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đưa ra chỉ đạo.
Nhân dịp Ngày Hội ATGT đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc năm 2015, tập đoàn FPT đã trao tặng 6.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người dân và học sinh 6 tỉnh Tây Bắc. Cục đường thủy Việt Nam trao tặng 300 áo phao cho người dân sống tại vùng hồ thủy điện Sơn La…