Bàn cách cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội

(PLVN) - Về xây dựng, cải tạo chung cư cũ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết không chỉ ở Hà Nội mà các nơi đều khó khăn. Bộ Xây dựng đã nhận được đề án của Hà Nội và cho rằng vướng là ở cơ chế, chính sách.
Một khu tập thể cũ tại Hà Nội.
Một khu tập thể cũ tại Hà Nội.

Có thể thí điểm để tạo đột phá mới

Mới đây, tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết những vấn đề quản lý của ngành xây dựng đều thể hiện trong thực tế tại địa bàn Hà Nội, qua đó giúp Bộ rút ra nhiều kinh nghiệm trong vấn đề tham mưu, quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.

Ông Hà tán thành những ưu tiên quản lý đô thị của Hà Nội trong thời gian tới, xác định đúng vị trí, vai trò đối với Hà Nội là đô thị đặc biệt, là trung tâm cực tăng trưởng của cả nước.

Nêu một số vấn đề lớn đề nghị Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ông Hà nêu về công tác quy hoạch cần chú ý khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Yêu cầu mới về phát triển bền vững của TP đã đặt ra tầm nhìn phát triển mới, đòi hỏi nhanh chóng điều chỉnh ngay điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thủ đô cho phù hợp thực tiễn.

“Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Hà Nội ngay trong khâu đầu của việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; hai bên cần lập tổ công tác chung để giải quyết các vấn đề và phối hợp đồng bộ”, ông Hà nói.

Về vấn đề chiều cao trong quy hoạch đô thị, ông Hà nêu với Hà Nội quy hoạch về chiều cao hiện rất vướng, quy chế chiều cao nội đô được Hà Nội ban hành theo thẩm quyền, nhưng đã bộc lộ hạn chế. Hà Nội nên nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chiều cao, linh hoạt để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó việc phát triển mô hình đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị xanh Hà Nội cần có đổi mới rất mạnh mẽ về mô hình phát triển đô thị và tổ chức không gian đô thị.

Riêng với nội dung về cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ, tại buổi làm việc, Hà Nội nêu quy định hiện hành thì nhà nước thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ bằng nguồn vốn nhà nước trong trường hợp các chủ sở hữu nhà chung cư cấp D không lựa chọn được DN kinh doanh BĐS để thực hiện. Theo quy định tại Điều 86, 87 Luật Nhà ở, việc bảo trì hoặc cải tạo xây dựng mới nơi ở của mình thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư.

Khó khăn vướng mắc là việc sử dụng nguồn vốn nhà nước là không phù hợp do việc triển khai thực hiện mất nhiều thời gian và ngân sách TP còn hạn hẹp (trong khoảng 5 - 10 năm tới không có khả năng hỗ trợ, thực hiện), trong khi số lượng nhà chung cư cũ trên địa bàn TP rất lớn với khoảng 1.579 nhà.

Những khó khăn vướng mắc về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ nêu trên đã được Sở Xây dựng đưa vào dự thảo “Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội” và UBND TP đã gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng.

Về xây dựng, cải tạo chung cư cũ, ông Hà cho biết không chỉ ở Hà Nội mà các nơi đều khó khăn. Bộ Xây dựng đã nhận được đề án của Hà Nội và cho rằng vướng là ở cơ chế, chính sách.

Vì vậy, Bộ Xây dựng sẽ làm việc kỹ với Hà Nội theo tinh thần những gì khó khăn thuộc thẩm quyền Chính phủ sẽ tháo gỡ ngay, những gì thuộc về các Luật thì theo cơ chế xin làm thí điểm để có thể tạo ra đột phá mới. Nếu Bộ Xây dựng và Hà Nội không quyết liệt thì không biết bao giờ cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ của Hà Nội mới tháo gỡ được.

“Đề nghị Hà Nội quyết liệt, Bộ Xây dựng sẵn sàng và tích cực phối hợp với Hà Nội về đề án”, ông Hà nói.

Ngoài ra, ông Hà đề nghị Hà Nội và Bộ Xây dựng phối hợp xây dựng quy chế quản lý kiến trúc của toàn TP và một số điểm nhấn. Bên cạnh đó đề nghị Hà Nội thành lập hội đồng quy hoạch kiến trúc của TP.

Thành lập Tổ công tác giải quyết khó khăn về lĩnh vực xây dựng

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết trong thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác xây dựng, quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đô thị, trật tự xây dựng nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

Cụ thể là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Nghiên cứu xây dựng Quy hoạch phát triển Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch. Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Hoàn thành các quy hoạch phân khu nội đô, các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, các trung tâm đô thị lớn; khớp nối đồng bộ quy hoạch khu vực nông thôn và khu vực đô thị; xây dựng bổ sung các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh.

Về vấn đề xây dựng, cải tạo chung cư cũ, ông Huệ nêu thực tế vấn đề được đặt ra từ năm 2012, dù TP đã có nhiều phương án, đề án nhưng hiện vẫn đang vướng, chủ yếu do quy định luật, làm sao bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa nhà đầu tư - người dân - công tác quản lý nhà nước.

Để có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư, TP đề nghị cho phép các địa phương sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ lãi suất trong phạm vi, khả năng, năng lực của các địa phương. Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Xây dựng, ông Huệ đề nghị TP và Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ trình Chính phủ, Thủ tướng những nội dung thuộc thẩm quyền, còn liên quan đến các Luật có thể trình cơ chế thí điểm.

“Việc tháo gỡ khó khăn cho cải xây dựng, cải tạo chung cư cũ sẽ không chỉ cho Hà Nội mà còn cho các địa phương khác. Nếu không hành động thì rất khó tiến triển”, ông Huệ nêu.

Đọc thêm