Bàn cách di dời chợ 'thần chết'

(PLO) -TP HCM yêu cầu thay đổi nhà đầu tư, xã hội hóa để đẩy nhanh việc di dời chợ hoá chất Kim Biên - được mệnh danh chợ "thần chết" giữa thành phố.
Hóa chất bày bán tại chợ Kim Biên.
Hóa chất bày bán tại chợ Kim Biên.

Thành phố cũng yêu cầu các sở ngành, quận, huyện phải tăng cường kiểm tra những cơ sở kinh doanh hóa chất, nhất là khu vực chợ Kim Biên (quận 5). Những trường hợp kinh doanh hóa chất tái phạm rút ngay giấy phép.

Theo chỉ đạo khẩn của lãnh đạo UBND TP.HCM, Công an TP.HCM khẩn trương tiếp nhận, điều tra, khởi tố nhanh những vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự do các cơ quan chức năng chuyển giao, đưa ra truy tố những người kinh doanh hóa chất cố tình vi phạm pháp luật.

Sở Công thương đang tìm vị trí xây trung tâm cũng như kho bãi chứa hóa chất. Các địa điểm dự kiến nằm ở quận Bình Tân, cách xa khu dân cư.

Theo dự định ban đầu, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) làm chủ đầu tư. Nhưng tại buổi làm việc với Quận ủy quận 5 ngày 20/5, ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TP HCM - cho rằng, việc này giao cho công ty Nhà nước thực hiện là sai hướng, "không biết bao giờ hoàn thành để di dời". Ông Thăng yêu cầu Sở Công thương phải công khai vị trí xây trung tâm, kho hóa chất để doanh nghiệp vào đấu thầu, làm nhanh.

Trước đó, ngày 27/5, đoàn liên ngành đã kiểm tra 16 cửa hàng kinh doanh hóa chất tại chợ Kim Biên. Hàng chục thùng hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm không chứng từ, nhãn mác đã bị thu giữ.

Theo thống kê, TP HCM có khoảng 600 tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu và kinh doanh hóa chất. Riêng chợ Kim Biên có 16 hộ bán trong nhà lồng chợ, kinh doanh hương liệu, bột màu, bơ sữa, phụ gia thực phẩm.

Còn xung quanh chợ có 93 cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp, hương liệu, phụ gia thực phẩm đang hoạt động. Kim Biên cũng là chợ buôn bán hóa chất lớn nhất phía Nam.

Trong nhiều đợt tiếp xúc cử tri, người dân bức xúc liên tục phản ánh bởi vấn đề di dời chợ hóa chất Kim Biên đã được đặt ra từ nhiều năm qua, nhưng đến nay tiến độ vẫn cứ… giậm chân tại chỗ.

Nói về chợ Kim Biên, trong buổi làm việc với Quận ủy quận 5 ngày 20/5, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng đây là chợ "thần chết". Người dân thành phố cũng như cả nước rất bức xúc khi tại đây hóa chất gì cũng có, mua số lượng bao nhiêu cũng được. Nhiều vụ trọng án ở thành phố liên quan đến axit đều có nguồn gốc tại đây.

Chợ Kim Biên “hóa chất gì cũng có, mua bao nhiêu cũng được”.
Chợ Kim Biên “hóa chất gì cũng có, mua bao nhiêu cũng được”. 

Ngày 23/5, tại cuộc họp về giải pháp xử lý tình trạng buôn bán hóa chất độc hại tại khu vực chợ Kim Biên đó do Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến chủ trì, ông Tuyến cho biết, nhu cầu sử dụng nguyên liệu, hóa chất là có thật nhưng việc quản lý khai thác, sản xuất hương liệu, nguyên liệu còn rất yếu.

Trách nhiệm của thành phố phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân thành phố trong vấn đề phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, phải kiên quyết chấm dứt, hạn chế kinh doanh hóa chất nhập khẩu; ngăn ngừa tối đa mua, sử dụng hóa chất sai mục đích.

Cũng tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương TP nêu ý kiến, công tác quản lý việc kinh doanh hóa chất hiện nay còn nhiều lỏng lẻo, nhiều bất cập. Chẳng hạn như: không phân biệt được mua về sản xuất hay sử dụng, mua axit thì mua lần cả can, giao dịch ở một nơi và giao hàng ở một nơi…

Hiện nay, thành phố không có quy chế quản lý kinh doanh hóa chất nên rất khó kiểm soát. Ông Hòa đề nghị, dù kinh doanh nhỏ lẻ cỡ nào đi nữa thì bao bì cũng phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Nếu là hóa chất công nghiệp thì đối tượng mua phải là đơn vị kinh doanh, đòi hỏi không sang chiết tại chợ.

Ông Trần Vĩnh Tuyến thì đặt vấn đề mức xử phạt còn thấp. Ông nói: “Hiện nay kiểm tra xử lý còn ít, vài trăm triệu thì có đâu có gì lớn so với tính mạng của đồng bào thành phố mình”.

Do đó, ông Tuyến chỉ đạo, vấn đề nào khởi tố hình sự được thì yêu cầu Công an Thành phố khẩn trương làm để răn đe. “Mình không hình sự hóa chuyện kinh doanh nhưng với loại kinh doanh chết người này mà không răn đe thì không hiệu quả”, ông Tuyến nói.

Ngoài ra, đối với trường hợp tái phạm, ông Tuyến đề nghị rút giấy phép kinh doanh chứ chỉ xử phạt không đủ sức răn đe. Ông nói: “Vấn đề nào cần “mạnh tay ” thì đơn vị chức năng đề xuất, thành phố sẽ xử lý”.

Ông Tuyến cũng đưa ra giải pháp quản lý đối với các loại hóa chất đặc biệt (như axit). Người mua phải xuất trình chứng minh nhân dân, nêu mục đích sử dụng . Còn người bán không chấp hành, nếu xảy ra vấn đề phạm pháp hình sự người gây án khai báo thì người bán phải liên đới chịu tránh nhiệm. Ngoài ra, phải xử lý nặng các hành vi xây dựng kho hóa chất trong khu dân cư.

Trên địa bàn TP HCM từng xảy ra vụ nổ hóa chất gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngày 17/10/2014, tại chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Đặng Huỳnh (quận 12, TP HCM), trong quá trình công nhân pha trộn hóa chất để sản xuất phân bón đã xảy ra vụ nổ làm chết 3 công nhân, 5 người khác bị thương, sập hoàn toàn nhà xưởng của chi nhánh, hư hỏng 86 căn nhà xung quanh, thiệt hại gần 8 tỉ đồng.

Đọc thêm