Nâng “đẳng cấp”
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong hai vùng đồng bằng trong cả nước có thời tiết khí hậu ôn hòa, hệ thống nước phong phú, phù sa màu mỡ. Thời gian qua, ĐBSCL đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, là vựa lúa gạo và thủy sản lớn nhất cả nước và xuất khẩu thế giới, trong đó TP Cần Thơ có vai trò vị trí đặc biệt quan trọng của vùng.
Những năm qua, Cần Thơ không ngừng nỗ lực đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư nhiều lĩnh vực ngành nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị cho tương xứng với vị thế đô thị văn minh, hiện đại của vùng. Tuy nhiên, Cần Thơ và ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức biến đổi khí hậu, điều kiện hạ tầng khó khăn.
Xâm nhập mặn, mưa gió thất thường và tình trạng thiếu nước ngọt làm đảo lộn cuộc sống của người dân, chất lượng cuộc sống ngày càng giảm. Vì vậy, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào vùng bị kéo giảm... Có thể nói, những thuận lợi trở thành bất lợi. Tuy nhiên, với vai trò trung tâm của vùng, Cần Thơ đang tập trung đầu tư phát triển để hoàn thành kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đầu tư hệ thống cấp nước sạch, nâng cao giá trị nông thủy sản và thu nhập của người dân.
Bà Võ Thị Hồng Ánh kỳ vọng, trong 5 năm nữa (2021), Cần Thơ sẽ có những phát triển vượt bậc trở thành “thành phố xanh - sạch - đẹp”, hiện đại xanh, năng động mang đẳng cấp quốc gia, giải quyết việc làm, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân. Đồng thời, trong chiến lược phát triển này sẽ kết nối các hệ thống giao thông đô thị để nối liền các đô thị trong vùng.
Phó Chủ tịch Võ Thị Hồng Ánh nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn các chuyên gia hiến kế, có những ý tưởng giúp chúng tôi có những bước đi tốt đẹp nhất góp phần cho sự phát triển của cả vùng”.
Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. |
Dùng dữ liệu không gian đoán thiên tai
Nói về cơ sở dữ liệu SDI, ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý ODA TP Cần Thơ cho biết: Các dự án nâng cấp đô thị được WB tài trợ, triển khai từ năm 2004 đến nay, gần nhất là 2 dự án nâng cấp đô thị dự án 1 và 2 góp phần làm thay đổi diện mạo của TP rất rõ nét. Bên cạnh đó, cũng đã cải tạo được 66 khu thu nhập thấp và hạ tầng chính yếu liên quan trên địa bàn 4 quận (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn) mang lại lợi ích cho hơn 500 ngàn dân cư trên địa bàn.
Hiện, dự án 3 - “Phát triển Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị” vừa được khởi động ngày 3/6 với tổng mức đầu tư khoảng 322 triệu USD (trong đó vốn vay từ WB là 250 triệu USD, vốn tài trợ không hoàn lại của SECO là 10 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách). Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2021. Mục tiêu của dự án là hạn chế rủi ro ngập trong khu vực trung tâm thành phố, cải thiện khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố và các khu vực đô thị mới phát triển, cũng như tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai cho chính quyền thành phố.
Theo đó, dự án này bao gồm ba hợp phần, trong đó hợp phần thứ ba có nội dung về tăng cường quản lý đô thị thích ứng biến đổi khí hậu gồm các hạng mục thiết lập cơ sở dữ liệu không gian địa lý, quản lý đồng bộ, thống nhất. Hệ thống trợ giúp phòng chống, khắc phục thiên tai, đây là những nội dung chính liên quan đến cuộc hội thảo hôm nay.
Đánh giá về tầm quan trọng của hệ thống SDI trong quản lý đô thị, Tiến sĩ Lesley Arnold (Chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật của WB và SECO) chia sẻ: Các dữ liệu sẽ được cập nhật bằng không ảnh (ảnh chụp từ máy bay, ảnh chụp từ vệ tinh). Dữ liệu này giúp dự đoán thiên tai, để từ đó có kết hoạch ứng phó với các thảm họa. Ngoài ra, mô hình SDI tạo sự đồng bộ giữa đầu tư và quản lý, giúp chính quyền hoạch định chính sách phát triển tốt nhất; sự lựa chọn hiệu quả nhất cho sự phát triển trong việc thích ứng biến đổi khí hậu của ĐBSCL.
Đồng quan điểm, ông Lưu Đình Hiệp (Trung tâm Công nghệ thông tin địa lý – Đại học Bách Khoa TP HCM) cho rằng: SDI là công cụ hiệu quả để quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc triển khai, vận hành hệ thống càng sớm càng thuận lợi cho công tác quản lý. Tuy nhiên, yếu tố con người là thành phần quan trọng nhất khi triển khai thực hiện, do đó cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ tiếp cận với công nghệ mới trong lĩnh vực này để triển khai có hiệu quả SDI phục vụ công tác quản lý của TP Cần Thơ...