Bàn cách gỡ vướng cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo chuyển tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hôm qua (20/3), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tránh lãng phí.
Bàn cách gỡ vướng cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Mong muốn môi trường ổn định để đầu tư lâu dài

Ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN cho biết, theo báo cáo của Công ty mua bán điện, hiện nay hầu như chưa có nhà đầu tư (NĐT) năng lượng tái tạo (NLTT) nào nộp hồ sơ đàm phán mua bán điện với EVN. Trong khi đó, quan điểm của Công ty mua bán điện là cũng mong muốn được tiến hành đàm phán giá nhanh và chặt chẽ với các NĐT.

Đáng chú ý, theo thông tin tại Hội nghị, dù Bộ Công Thương chưa có các văn bản hướng dẫn đàm phán mua bán các dự án NLTT chuyển tiếp như thế nào nhưng EVN vẫn đưa ra phương pháp đàm phán đảm bảo cho các NĐT được chi trả toàn bộ các chi phí hợp lệ của dự án, đảm bảo tỉ suất lợi nhuận 12% và giá phải nằm trong khung giá theo quyết định của Bộ Công Thương.

Nói về nguyên nhân các NĐT vẫn chưa gửi hồ sơ để tiến hành đàm phán giá điện NLTT chuyển tiếp, bà Nguyễn Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T cho biết, dù EVN đã tích cực đưa ra các văn bản hướng dẫn nhưng đa phần các NĐT đều chưa nộp hồ sơ vì họ chưa thấy có gì rõ ràng, đồng thời mong muốn hợp đồng được thực hiện lâu dài.

Bà Bình cho biết thêm, hiện nay, đến 70% nguồn điện NLTT được các NĐT tư nhân thực hiện, các văn bản đưa ra thời gian qua đều tác động trực tiếp đến quyền lợi của NĐT, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các NĐT nhưng “chúng tôi không được xin ý kiến” - bà Bình nói. Cũng theo bà Bình, trong khi các quyết định về cơ chế khuyến khích đầu tư NLTT vẫn còn hiệu lực với các dự án đã kịp hưởng cơ chế (giá FIT) nhưng Bộ Công Thương lại đưa ra các thông tư bãi bỏ những cơ chế khuyến khích này, việc không áp dụng giá với các dự án điện mặt trời trong 20 năm là một ví dụ.

“Tất cả các NĐT đều mong muốn môi trường ổn định để đầu tư lâu dài và mong muốn hài hòa lợi ích giữa các bên, đề nghị Bộ Công Thương xem xét tính toán lại khung giá đã đưa ra trong Quyết định 21/QĐ-BCT, thuê đơn vị tính toán độc lập để tính toán lại giá” - bà Bình đề xuất.

Ông Phạm Lê Quang - Giám đốc phát triển dự án Bamboo Capital Energy (BCG) cũng chia sẻ, với tính toán của các NĐT NLTT thì phải áp dụng mức giá trần trong khung giá mà Bộ Công Thương đã đưa ra thì mới đủ để NĐT chi trả cho các chi phí đã đầu tư (tương đương khoảng 7 cent/kWh). Bà Bình cũng đưa ra mức giá tương đương để nói về mức giá mong muốn của các NĐT NLTT.

Theo đó, bà Bình cho biết: “Hiện Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản cho phép mua điện NLTT, nhiệt điện nhập khẩu với mức giá 6,95 cent đối với những dự án hoàn thành trong giai đoạn trước 31/12/2025. Thế nhưng, vì sao Việt Nam lại chưa huy động các dự án đã sẵn sàng trong nước với mức giá tương đương, thậm chí chúng tôi mong muốn được mua với giá bằng 90% mức giá nhập khẩu. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận ký một hợp đồng mua bán với hình thức tính toán mua bán theo phương pháp hồi tố, tức là sau này tính toán kỹ càng, nếu giá mua cao hơn thì chúng tôi trả lại, nếu thiếu thì được bổ sung”.

Ngoài ra, các NĐT NLTT đều đề nghị, hiện có khoảng 2.930MW NLTT đã hoàn tất đầu tư và mong muốn không để bị lãng phí khi điện gió bị bỏ không trong khi năm 2022, có thời điểm EVN đã phải mua nhiệt điện ở mức giá hơn 3.000 đồng/kWh. Theo ông Phạm Lê Quang, hơn một năm qua, 100MW điện mặt trời, 150MW điện gió của BCG nằm phơi không ở bờ biển, kinh phí vận hành rất tốn kém nên mong muốn lớn nhất và trước mắt của các NĐT là các dự án đã được nghiệm thu, đóng điện thì được ghi nhận sản lượng ngay lập tức để tránh lãng phí.

Sẽ theo dõi, góp ý xử lý sớm

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT chia sẻ, Cục cũng mong muốn sớm tháo gỡ sớm các vấn đề đối với NLTT chuyển tiếp để tránh lãng phí. Tuy nhiên, về các kiến nghị của NĐT đã gửi mới đây như khung giá mua bán điện hay vấn đề mong muốn được huy động luôn các dự án đã đủ điều kiện đều không thuộc thẩm quyền của Cục Điện lực và NLTT.

Riêng về huy động điện, EVN cũng đã có kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho các NĐT nhưng theo Văn bản số 12158/BCT-ĐTĐL ngày 19/12/2016 của Bộ Công Thương thì kể từ ngày 01/01/2017, nếu các nhà máy điện không có hợp đồng mua bán điện hoặc có hợp đồng mua bán điện nhưng giá điện đã hết hiệu lực, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị liên quan không huy động các nhà máy điện này phát điện lên lưới điện quốc gia trừ trường hợp cần thiết huy động để đảm bảo an ninh cung cấp điện. “Tuy chúng tôi không có thẩm quyền nhưng sẽ theo dõi để góp ý xử lý” - ông Hùng nói.

Ngoài ra, với các kiến nghị liên quan đến việc huy động hết sản lượng của các nhà máy NLTT, thanh toán theo tỷ giá USD, ông Hùng cũng cho rằng đây là cơ chế khuyến khích phát triển NLTT mà cơ chế được áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định, không thể duy trì mãi.

Ông Nguyễn Danh Sơn, Giám đốc Công ty mua bán điện (EVN) cũng chia sẻ, có nhiều đề xuất ngoài thẩm quyền của EVN nên EVN không thể trả lời. Tuy nhiên, trong thẩm quyền, EVN sẽ xem xét tính toán lại khung giá; Sẽ điều chỉnh lại điều kiện hồ sơ và phương pháp tính giá để phù hợp hơn với tình hình thực tế của các NĐT.

Đọc thêm