Phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Không để tình trạng 'trên nóng, dưới lạnh'

(PLVN) - Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói là: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!".
Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh- VGP
Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh- VGP

Tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn là khâu yếu

Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) diễn ra ngày 27/4/2022 nhận định: từ đầu năm đến nay, công tác PCTN, TC tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh và có những chuyển biến mới trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế như: Một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc xử lý theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo; công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, có dấu hiệu đùn đẩy, né tránh, trách nhiệm chưa cao, phối hợp chưa tốt; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi; Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập và gần đây lại bộc lộ thêm trong lĩnh vực định giá, đấu giá tài sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp,…; Công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn là khâu yếu.

Để khắc phục những hạn chế kể trên, một trong những đề án được đưa ra đó là việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh. Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tuy chưa chính thức có chủ trương chung nhưng đã có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác này gồm: Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang và Khánh Hòa. Qua góp ý xây dựng đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC.

Ngày 2/6/2022, thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký Quy định số 67-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là ở địa phương).

Phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo gồm 2 nội dung: Một là chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương và hai là trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Mỗi cán bộ, công chức phải luôn tự răn mình

Hà Nội là tỉnh, thành đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ năm về việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh. Ngày 13/5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2835-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTN, TC gồm 15 thành viên do ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo; Ban Nội chính Thành uỷ là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Sau Hà Nội, nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh như: Đà Nẵng (ngày 21/5), Thanh Hóa (30/5), Nam Định, Đồng Tháp, Điện Biên (10/6), Long An (13/6), Quảng Ngãi (14/6), Phú Yên (15/6) và mới nhất là Bà Rịa – Vũng Tàu thành lập vào hôm qua (16/6) với trưởng ban chỉ đạo đều là người đứng đầu tổ chức Đảng địa phương. Điều này đã và đang tạo nên một khí thế mới được người dân tin tưởng, kỳ vọng, gửi gắm công tác PCTN, TC sẽ bước sang một giai đoạn mới với những kết quả quyết liệt và cụ thể hơn.

Phát biểu sau khi công bố quyết định thành lập, ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị, sau khi công bố thành lập, các thành viên Ban Chỉ đạo nhanh chóng bắt tay vào việc, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, cán bộ, công chức hiểu rõ, tin tưởng về quyết tâm của Đảng trong việc PCTN, TC xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Mỗi cán bộ, công chức phải luôn tự răn mình trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Còn tại Long An, phát biểu tại buổi lễ thành lập, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCTN, TC tỉnh Long An đề nghị cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chí công vô tư trong thực thi nhiệm vụ được giao. Ông Nguyễn Văn Được yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động kiểm tra, giám sát PCTN, TC. Đặc biệt, chú trọng đến các lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư, đất đai, xây dựng cơ bản,... Qua đó, kịp thời ngăn ngừa, khắc phục hạn chế sai phạm, giảm sai sót. Cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu nêu cao ý thức, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội) ngày 12/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc bao nhiêu người đi tù và bị xử lý trước đây chỉ có ở trên Trung ương, hiện nay mở rộng ra, lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, việc này để cảnh tỉnh lãnh đạo các tỉnh phải chú ý, không ai có thể đứng ngoài pháp luật được.

GS Hoàng Chí Bảo nhận định, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, thành được rất nhiều địa phương hưởng ứng điều này lại càng cho thấy “ý Đảng, lòng dân” và “phép nước” đã gặp nhau. “Sự gặp gỡ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp cho chúng ta thực hiện thành công mục tiêu đề ra. Hay nói như Bác phải có quyết tâm lại phải có tín tâm (lòng tin với dân) và phải đồng tâm (sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân) làm một”.

Phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC tổ chức ngày 27/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Từ thực tế công tác PCTN, TC đã rút ra kinh nghiệm hoàn toàn đúng cả về lý luận, thực tiễn và đường lối. Đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, cứ có dấu hiệu là Ủy ban kiểm tra có quyền vào kiểm tra. Đây là kinh nghiệm hay, đúng nguyên tắc, kỷ luật Đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính, tiếp đến là xử lý hình sự... Các vụ án đã được xử lý nghiêm nhưng cũng rất nhân văn, tài sản thu hồi lớn, nhưng cái lớn nhất vẫn là củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị...

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đã thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh. Tinh thần của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC và chỉ đạo của Tổng Bí thư cần được cụ thể hóa thành chủ trương, giải pháp, hành động thiết thực ở mỗi địa phương. Đặc biệt là vai trò của công tác kiểm tra. Công tác kiểm tra phải đi trước một bước để sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong mỗi tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự đi trước của tổ chức đảng trong kiểm tra, xử lý sai phạm vừa là tính tiên phong trong lãnh đạo, vừa thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, mọi chủ trương, hành động của Đảng đều vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của nhân dân.

Chia sẻ với báo chí, Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh “tránh việc trông chờ Trung ương. Khi Trung ương chỉ đạo, địa phương lại phải chờ xem Trung ương làm thế nào. Khi có Ban Chỉ đạo sẽ phát huy được tính chủ động, tích cực của tất cả địa phương. Trung ương cũng làm mà địa phương cũng làm, không bỏ sót vụ nào cả. Nhất là tránh tình trạng “trên nóng mà dưới không nóng””.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã thể hiện rõ tinh thần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, thêm một “cánh tay nối dài của Trung ương” trong công cuộc PCTN, TC. Với quyết tâm của Đảng ta hiện nay, chúng ta tin tưởng Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh, thành phố sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác PCTN, TC.

TS. Nguyễn Xuân Trường – Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương:

"Từ lý luận và thực tiễn cho thấy việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng tiêu cực là yêu cầu khách quan, cấp thiết và thực tế đòi hỏi. Điểm thứ hai là qua 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy đây là một tấm gương sáng với những kết quả rõ rệt. Và điều này nếu các địa phương mong muốn và làm được với một quyết tâm chính trị cao sẽ góp phần đưa đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, thậm chí là giao nhiệm vụ những vụ án, vụ việc rất cụ thể cho địa phương, ban chỉ đạo địa phương chỉ đạo, xử lý. Điều này vừa giúp cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có chỗ dựa về chính trị, về pháp lý. Đồng thời điều này cũng giúp cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chữa được một trong những tồn tại xưa nay ở địa phương đó là tinh thần, tư tưởng nể nang, né tránh, lợi ích cục bộ, ràng buộc nhiều khía cạnh, cản trở công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng."

Đọc thêm