Bắn cung Việt Nam: Đặt tham vọng thành công như Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bắn cung Việt Nam không chỉ giới hạn mình ở sân chơi SEA Games mà có thể tiến xa hơn là Asiad, Olympic.
Hoa khôi Ánh Nguyệt thi đấu bản lĩnh tại Olympic 2020 vừa qua.
Hoa khôi Ánh Nguyệt thi đấu bản lĩnh tại Olympic 2020 vừa qua.

Mục tiêu ấy cũng không xa vời khi giới chuyên môn và người hâm mộ từng trực tiếp chứng kiến các cuộc tranh tài của các cung thủ Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020.

Màn trình diễn tự tin, ấn tượng nhưng có phần thiếu chút may mắn và kinh nghiệm của các cung thủ Việt Nam trước các đối thủ lớn tại sự kiện thể thao lớn nhất thế giới càng củng cố thêm niềm tin vào Bắn cung Việt Nam có thể cạnh tranh huy chương tại các đấu trường lớn hơn Đông Nam Á.

Sau khi Olympic Tokyo khép lại, tuyển Bắn cung Việt Nam đã bắt tay ngay vào tập luyện, rèn kỹ thuật tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia 1, Hà Nội, dưới sự dẫn dắt và tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu.

Mới đây, bộ môn Bắn cung đã tổ chức thi đấu nội bộ đội tuyển Bắn cung quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 31 diễn ra trong 2 ngày (22, 23/10), tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia 1, Hà Nội.

Cuộc thi được đánh giá chất lượng chuyên môn cao, hầu hết các vận động viên (VĐV) đội tuyển có phong độ thi đấu ổn định. Đặc biệt, ở lần kiểm tra này nhiều VĐV trẻ thi đấu rất ấn tượng. Đây là tín hiệu vui trong công tác đào tạo lực lượng kế cận.

“Sự kiện diễn ra vào thời điểm này mang ý nghĩa quan trọng, nhằm tạo cơ hội để các VĐV có cơ hội thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn”, ông Phan Trọng Quân, phụ trách môn Bắn cung Tổng cục TDTT cho biết.

Nói về công tác chuẩn bị của đội tuyển quốc gia hướng đến mục tiêu quan trọng vào thời gian tới, ông Hoàng Quốc Vinh - Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao chia sẻ:

“Trước mắt, sân chơi quan trọng mà tuyển Bắn cung Việt Nam hướng đến chính là SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà vào năm 2022. Để hiện thực hóa mục tiêu, Tổng cục TDTT sẽ tạo mọi điều kiện, trong đó có kế hoạch tập huấn, thi đấu tại nước ngoài khi điều kiện cho phép”.

Phi Vũ và Ánh Nguyệt, 2 tài năng trẻ của Bắn cung Việt Nam.

Phi Vũ và Ánh Nguyệt, 2 tài năng trẻ của Bắn cung Việt Nam.

Theo nhận định của giới chuyên môn, các cung thủ hàng đầu của Việt Nam hiện nay trong đội tuyển quốc gia còn rất trẻ trong đó Đỗ Thị Ánh Nguyệt mới 20 tuổi (SN 2001), Nguyễn Hoàng Phi Vũ mới 22 tuổi (sinh năm 1999) trong khi độ tuổi đạt đỉnh cao phong độ của môn Bắn cung thường từ 25 đến 30 tuổi.

Bên cạnh đó, Bắn cung Việt Nam còn có nhiều tay cung trẻ có tiềm năng phát triển đến trình độ Olympic. Thế nên, Bắn cung Việt Nam cần tận dụng tốt điều này để hướng đến các mục tiêu tiếp theo ở sân chơi Olympic.

2 năm qua, Bắn cung Việt Nam đã xuất sắc giành được nhiều thành tích đáng ghi nhận, như: giành 2 suất tham dự Olympic Tokyo 2020 (nhờ thành tích tốt ở giải Châu Á diễn ra tại Thái Lan), giành tới 3 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ, đứng vị trí Nhất toàn đoàn tại SEA Games 30.

Đây chính là nền tảng vững chắc, giúp đội tuyển Bắn cung quốc gia hướng đến mục tiêu bảo vệ “ngôi vương” khu vực Đông Nam Á ở kỳ SEA Games 31 tới đây.

Hy vọng, với tài năng của các VĐV đội tuyển Bắn cung Việt Nam như: Phi Vũ, Ánh Nguyệt, Lộc Thị Đào và nhiều tay cung trẻ tài năng trong hệ thống tuyển quốc gia cùng sự quan tâm sát sao, đầu tư đúng hướng của các cơ quan quản lý, Bắn cung Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tỏa sáng ở các đấu trường quốc tế.

Sau khi Thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2020. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã tham dự cuộc họp đánh giá của thể thao Việt Nam, ông nhấn mạnh: “Để tạo sự đột phá cho Thể thao Việt Nam trong thời gian tới, ngành Thể dục thể thao cần rà soát lại toàn bộ những môn thể thao thành tích cao, từ đó nhặt ra nhóm môn có thế mạnh, phù hợp với thể trạng, sức vóc của người Việt Nam để đầu tư có chiều sâu, chất lượng hơn”.