Bán đảo Triều Tiên: Để đường dây nóng không bị “lạnh”

(PLO) - Mối quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc dường như đang nồng ấm trở lại trong những ngày đầu năm mới 2018, đặc biệt khi CHDCND Triều Tiên quyết định nối lại đường dây nóng liên lạc liên Triều từ ngày 3/1. 
Một quan chức Hàn Quốc nói chuyện với quan chức Triều Tiên qua đường dây nóng
Một quan chức Hàn Quốc nói chuyện với quan chức Triều Tiên qua đường dây nóng

Quyết định này đã cho thấy những nỗ lực của cả hai bên trong việc hàn gắn quan hệ vốn bị ngừng hoạt động từ năm 2016. 

Khôi phục đường dây nóng

Vào lúc 15h chiều ngày 3/1/2018 (theo giờ địa phương), nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh mở đường dây nóng tại làng đình chiến Palmunjom (Bàn Môn Điếm), biên giới giữa hai nước từ, để liên hệ với phía Hàn Quốc về thời điểm thích hợp để đàm phán và gửi đoàn tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang. Quyết định trên được đưa ra sau khi chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đề nghị tổ chức các cuộc hội đàm vào ngày 9/1 nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Động thái trên của CHDCND Triều Tiên diễn ra giữa lúc quan hệ liên Triều có nhiều tín hiệu tích cực. Trước đó, trong Thông điệp chào mừng năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố về khả năng tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018, đồng thời cho rằng “đây là cơ hội tốt để nước này thể hiện niềm tự hào dân tộc”. Ông Kim Jong-un cũng nhận định, hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ trong thời gian tới.

Ngay lập tức, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch của CHDCND Triều Tiên về việc mở lại đường dây nóng liên lạc giữa hai nước, gọi đây là một sự kiện “có ý nghĩa rất quan trọng” hướng tới đối thoại trực tiếp và thường xuyên trên Bán đảo Triều Tiên. Phát biểu với báo giới, thư ký báo chỉ Yoon Young-chan của Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, kế hoạch này của CHDCND Triều Tiên phát đi tín hiệu về một động thái hướng tới một môi trường trong đó liên lạc sẽ có thể được thực hiện vào mọi thời điểm.

Phản ứng trước động thái trên của CHDCND Triều Tiên, các đảng chính trị tại Hàn Quốc đã đồng loạt hoan nghênh quyết định của Bình Nhưỡng và bày tỏ hy vọng động thái này sẽ giúp “tan băng” mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, một số đảng bảo thủ vẫn tỏ ra thận trọng, cho rằng có khả năng Bình Nhưỡng lợi dụng đối thoại liên Triều để có thêm thời gian hoàn thiện chương trình hạt nhân của mình.

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã hoan nghênh việc nối lại kênh liên lạc giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều sáng kiến ngoại giao hơn nhằm chấm dứt căng thẳng liên quan tới vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn LHQ Farhan Haq cho biết: “Việc CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đối thoại luôn là một diễn biến tích cực”.

“Cơ hội vàng” cho quan hệ liên Triều

Theo một tuyên bố chung giữa Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên, đường dây nóng giữa hai nước được thiết lập vào năm 1972, và đi vào hoạt động vào tháng 8 cùng năm. Một đường dây điện thoại và fax được lắp đặt ở làng Panmunjom, trong Khu Phi quân sự liên Triều để cho phép các cuộc đối thoại giữa miền Nam và Hội Chữ thập đỏ miền Bắc. Tuy nhiên, hơn 40 năm qua, đường dây nóng giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã phản ánh mối quan hệ lên xuống thất thường giữa hai nước.

Năm 1976, CHDCND Triều Tiên đơn phương cắt đứt đường dây khi binh lính của nước này dùng rìu sát hại hai lính Mỹ trong một cuộc tranh cãi về việc chặt cây tại Panmunjom, đẩy bán đảo Triều Tiên ngấp nghé bờ vực chiến tranh. Đến năm 1980, đường dây nóng được mở lại khi hai bên đồng ý mở cuộc hội đàm cấp bộ trưởng. Năm 2010, Seoul áp đặt lệnh trừng phạt thương mại chống lại Bình Nhưỡng sau khi cáo buộc CHDCND Triều Tiên đánh chìm tàu hộ tống Cheonan của mình; đáp lại, Bình Nhưỡng ngừng tất cả kênh liên lạc và trao đổi với Hàn Quốc.

Tuy nhiên, năm 2011, kênh liên lạc cũng đã được khôi phục nhưng lại bị cắt đứt vào năm 2013, khi căng thẳng gia tăng khi CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba. Sau khi được khôi phục, đến tháng 2/2016, Bình Nhưỡng tiếp tục cắt hai kênh thông tin liên lạc liên Triều gồm một đường dây nóng được lắp đặt trong văn phòng liên lạc tại làng đình chiến và một kênh liên lạc quân sự  nhằm phản đối việc Seoul đóng cửa khu phức hợp công nghiệp Kaesong. 

Trong những năm qua, tuy không còn duy trì gọi theo ngày chẵn, lẻ, nhưng việc gọi cho nhau hai lần/ngày (vào các thời điểm 9 giờ sáng và 4 giờ chiều hàng ngày) vẫn được thực hiện. Hai năm qua, Hàn Quốc vẫn đều đặn gọi cho miền Bắc, đường dây vẫn thông suốt, nhưng phía CHDCND Triều Tiên không trả lời. Sau khi ông Kim bất ngờ cho nối lại đường dây nóng biên giới, quan chức hai bên đã gọi điện thử với nhau trong 20 phút, đánh dấu lần đầu tiên CHDCND Triều Tiên gọi điện cho Hàn Quốc sau hai năm gián đoạn. 

Giới phân tích cho rằng, đây là dấu hiệu tốt và điều đó có nghĩa là CHDCND Triều Tiên sẵn sàng đối thoại với Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nhận định, có thể Bình Nhưỡng đang cố gắng “câu giờ” để tiếp tục theo đuổi công nghệ tên lửa và phát triển kho vũ khí hạt nhân. Cũng có khả năng các biện pháp cứng rắn của Mỹ với CHDCND Triều Tiên đang phát huy hiệu quả và CHDCND Triều Tiên đang để mở khả năng đàm phán ngoại giao để tránh nguy cơ chiến tranh.

Một cách suy luận khác là CHDCND Triều Tiên đang cố gắng tạo ra căng thẳng giữa Mỹ và Hàn Quốc. Trong khi, Tổng thống Mỹ Trump nhấn mạnh cần phải gây áp lực và trừng phạt tối đa với CHDCND Triều Tiên thì Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ủng hộ việc thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ, đồng thời đồng ý với Trung Quốc và Nga rằng đàm phán là cần thiết để giải quyết khủng hoảng.

Nếu đề xuất của Hàn Quốc tiến hành đàm phán liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom vào ngày 9/1 thành hiện thực, đây sẽ là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa 2 miền Triều Tiên kể từ năm 2015. Và nếu mọi chuyện suôn sẻ, đây sẽ là lần đầu tiên phái đoàn CHDCND Triều Tiên tham dự một kỳ Olympic được tổ chức tại Hàn Quốc. Trước đó, Bình Nhưỡng đã tẩy chay Olympic Seoul 1988. Việc một phái đoàn CHDCND Triều Tiên tham gia Olympic tổ chức tại Hàn Quốc sẽ mang tính biểu tượng cao bởi hai miền Triều Tiên về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Trong lịch sử, phương thức “ngoại giao thể thao” đã từng được sử dụng và phát huy hiệu quả trong việc “gỡ nút thắt” cho các mối quan hệ chính trị căng thẳng. Sự kiện Olympic Pyeongchang sắp tới, nếu có đoàn CHDCND Triều Tiên tham gia, có thể ghi một dấu mốc mới của sự hòa giải giữa hai miền Triều Tiên và hy vọng có thể sẽ trở thành “chất xúc tác” cho các cuộc đàm phán lâu dài hơn nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho căng thẳng hiện nay. 

Đọc thêm