Bàn giải pháp chấm dứt chậm giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sáng 24/7, thảo luận tại tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội đã góp ý nhiều giải pháp để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Đại biểu Lê Tiến Châu (Đoàn Hậu Giang) cho rằng, giải ngân chậm là câu chuyện biết rồi- khổ lắm- nói mãi mà chưa có giải pháp khắc phục. Nguyên nhân thật ra ai cũng biết, vướng từ quy định pháp luật, về trình tự rườm rà… có thể bỏ dc nhưng ta không bỏ. Về tổ chức thực hiện, ngoài năng lực thì có vấn đề lợi ích - chọn nhà thầu yếu. Để khắc phục, Thủ tướng đã quyết định cắt từ 11 ngàn dự án xuống còn 5 ngàn.

Việc giải ngân hiện nay vừa chậm vừa giao ngắt quãng. Nghĩa là giao nhiều lần, giao nhiều dự án, tiền thiếu nên công trình dở dang, đến khi bổ sung vốn thì đội tổng mức đầu tư, hậu quả vô cùng lớn.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tổ sáng 24/7 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tổ sáng 24/7 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo Đại biểu Châu, cần mạnh dạn cắt bỏ những quy định cản trở giải ngân. Hiện vướng là do ta không tin nhau nên đặt ra nhiều quy định. Thêm nữa phải tính toán rất sát nguồn thu trong bối cảnh đại dịch để từ đó cân đối chi cho phù hợp, khả thi.

Đồng thời, phải tính toán hạn mức vay tín dụng nước ngoài. Ông chỉ rõ, hiện có các vướng mắc như thủ tục quá rườm rà, cấp phát vốn có tính cào bằng - đối ứng 50%. Trong khi với địa phương càng khó khăn thì nhu cầu vốn càng cao, vậy tiền đâu để lo 50%?.

Cùng với đó, cần tính toán lại vốn doanh nghiệp - hình thức PPP rất hiệu quả, ta cần tính toán việc đối ứng. Ông Châu nhận thấy BOT chả có lỗi gì đâu, chẳng qua do tổ chức thực hiện. Chúng ta phải khơi thông nguồn lực mới đáp ứng được nhu cầu.

Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) cũng cho rằng, chậm giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; ảnh hưởng huy động vốn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia trước các nhà tài trợ khi có tiền mà không tiêu được trong khi vẫn phải trả lãi vay. Nếu để kéo dài không khắc phục được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư công trung hạn trong giai đoạn sắp tới.

Đại biểu Hà Thị Nga (Đoàn Đồng Tháp) thì ngắn gọn yêu cầu phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục, chấm dứt tình trạng chậm giải ngân đầu tư công, tránh làm nản lòng các nhà đầu tư. Phải chấm dứt việc đầu tư manh mún, dàn trải, giảm hiệu quả đầu tư.

Các đại biểu tham dự thảo luận tổ sáng 24/7.

Các đại biểu tham dự thảo luận tổ sáng 24/7.

Tham gia hai nhiệm kỳ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến nhận thấy Chính phủ lúc nào cũng đốc thúc mà càng đốc thúc tiến độ giải ngân càng chậm, trong khi thường xuyên kêu thiếu tiền. Có lẽ do cách lập kế hoạch đầu tư, cách thức thực hiện, giám sát, chế tài có vấn đề.

“Các đại biểu đi giám sát về xong rất buồn. Công trình thì dở dang, không đưa vào sử dụng được, rất lãng phí, trong khi tiền để trong két”, ông Tiến phản ánh và kiến nghị cả Quốc hội, Chính phủ, từng đơn vị cần ngồi lại để trả lời câu hỏi trăn trở của đại biểu, người dân, không để tiếp diễn tình trạng này, rất lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao những kết quả của Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua liên quan đến công tác tài chính, vấn đề nợ công, nhờ đó tiềm lực quốc gia đã tăng lên nhiều. Tuy nhiên, ông xin đề cập đến một vài hạn chế, trong đó có các dự án chậm tiến độ, dở dang chưa thực hiện được, gây lãng phí, thất thoát ngân sách cho Nhà nước.

Ông Thường lưu ý, phát triển hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá mà Đại hội lần thứ XII đã đề ra và đây cũng là hạn chế nhiệm kỳ qua chưa thực hiện tốt, cần khắc phục trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh dịch bệnh tác động như hiện nay, việc tập trung giải ngân đầu tư công rất quan trọng để qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Cùng với đó, giai đoạn tới Chính phủ cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho giáo dục đào tạo và phát triển khoa học công nghệ, bởi trong kế hoạch này còn chưa thấy chú trọng đến vấn đề này”, Đại biểu Thường đề nghị và nhấn mạnh cần lựa chọn các dự án mang tính cấp thiết, nhất là khi nguồn lực có hạn và những tác động của dịch COVID-19.

Đọc thêm