Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (QCVN 40:2024/BGTVT) quy định các yêu cầu kỹ thuật về cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị đối với trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (trung tâm sát hạch).
Theo đó, đối với xe sát hạch, QCVN 40:2024/BGTVT quy định, xe sát hạch ngoài việc tuân theo các quy định tại mục 2.2 của Quy chuẩn này còn phải đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe.
Đối với xe sát hạch hạng A1 là xe mô tô hai bánh, có dung tích xy lanh từ 70cm3 đến 125cm3hoặc có công suất động cơ điện từ 6 đến 11kW. Xe sát hạch hạng A là xe mô tô hai bánh, có dung tích làm việc của xy lanh trên 200cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11kW.
Xe sát hạch hạng B1 là xe mô tô ba bánh, có dung tích làm việc của xy lanh từ 105cm3 trở lên, có số lùi, có chiều dài toàn bộ không lớn hơn 3,0m, chiều rộng toàn bộ không lớn hơn 1,5m, chiều dài cơ sở không lớn hơn 2,3m, bán kính quay vòng nhỏ nhất theo vệt bánh xe trước không lớn hơn 3,5m.
Xe sát hạch hạng B là xe ô tô con có từ 3 đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), có chiều dài toàn bộ từ 4,2m trở lên, chiều rộng toàn bộ từ 1,6m trở lên, chiều dài cơ sở từ 2,4m trở lên, bán kính quay vòng nhỏ nhất theo vệt bánh xe trước phía ngoài từ 4,9m trở lên.
Về xe sát hạch hạng C1, QCVN 40:2024/BGTVT quy định, là xe ô tô tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế từ 4.000kg đến 7.500kg, có chiều dài toàn bộ từ 5,5m trở lên, chiều rộng toàn bộ từ 1,7m trở lên, chiều dài cơ sở từ 3m trở lên, bán kính quay vòng nhỏ nhất theo vệt bánh xe trước phía ngoài từ 5,7m trở lên.
Xe sát hạch hạng C là xe ô tô tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế từ 11.000kg trở lên, có chiều dài toàn bộ từ 8m trở lên, chiều rộng toàn bộ từ 2,2m trở lên, chiều dài cơ sở từ 4,2m trở lên, bán kính quay vòng nhỏ nhất theo vệt bánh xe trước phía ngoài từ 7,2m trở lên.
Bên cạnh đó, đối với xe sát hạch hạng D1, theo QCVN 40:2024/BGTVT là ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) hoặc ô tô có thiết kế, cải tạo với số chỗ ít hơn xe cùng loại, kích thước giới hạn tương đương và có số chỗ nhiều nhất, có chiều dài toàn bộ từ 5,2m trở lên, chiều rộng toàn bộ từ 1,9m trở lên, chiều dài cơ sở từ 3,1m trở lên, bán kính quay vòng nhỏ nhất theo vệt bánh xe trước phía ngoài từ 6,1m trở lên.
Đối với xe sát hạch hạng D2 là ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) hoặc ô tô có thiết kế, cải tạo với số chỗ ít hơn xe cùng loại, kích thước giới hạn tương đương và có số chỗ nhiều nhất, có chiều dài toàn bộ từ 6,2m trở lên, chiều rộng toàn bộ từ 2,0m trở lên, chiều dài cơ sở từ 3,1m trở lên, bán kính quay vòng nhỏ nhất theo vệt bánh xe trước phía ngoài từ 7,0m trở lên.
Xe sát hạch hạng D là ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 40 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) hoặc ô tô có thiết kế, cải tạo với số chỗ ít hơn xe cùng loại, kích thước giới hạn tương đương và có số chỗ nhiều nhất, có chiều dài toàn bộ từ 8,9m trở lên, chiều rộng toàn bộ từ 2,4m trở lên, chiều dài cơ sở từ 4,2m trở lên, bán kính quay vòng nhỏ nhất theo vệt bánh xe trước phía ngoài từ 7,9m trở lên.
Ngoài ra, xe sát hạch hạng CE, QCVN 40:2024/BGTVT quy định là xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc để chở công-ten-nơ có kích thước: dài 6,06m, rộng 2,44m, cao 2,59m (tương đương loại 20 feet).
Xe sát hạch các hạng BE, C1E, D1E, D2E và DE: là xe ô tô có thông số kỹ thuật phù hợp với xe ô tô sát hạch hạng tương ứng (B, C1, D1, D2 và D) kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế không nhỏ hơn 5.000kg.
Thông tư 49/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.