Băn khoăn về quyền được cung cấp bệnh án

(PLVN) - Trong văn bản gửi Bộ Y tế góp ý đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chia sẻ băn khoăn của các chuyên gia về quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Điều 11 của Dự thảo quy định về quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Các thông tin về tình trạng sức khoẻ của người bệnh thuộc về quyền riêng tư của bệnh nhân và bệnh nhân có quyền được biết về tình trạng sức khoẻ của mình một cách đầy đủ nhất. 

Theo VCCI, điều này sẽ có một số tác dụng tích cực. Thứ nhất, bệnh nhân có đủ thông tin cần thiết để ra quyết định lựa chọn phương án điều trị. Việc ra quyết định khi không được cung cấp đầy đủ thông tin sẽ không phù hợp với quyền tự do của người dân.

Thứ hai, khi có đủ thông tin, bệnh nhân có thể tự mình hoặc với sự trợ giúp của người khác có chuyên môn giám sát tốt hơn việc cung cấp chất lượng dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh. Điều này sẽ có tác động gián tiếp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Thứ ba, việc cung cấp đầy đủ bệnh án sẽ giúp bệnh nhân dễ dàng hơn trong việc chuyển cơ sở điều trị, từ đó tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở khám chữa bệnh sao cho phải phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân, cũng là khách hàng của mình.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến có thể lo ngại về việc cơ sở y tế phải lưu trữ bản gốc bệnh án để làm chứng cứ khi có tranh chấp hoặc có yêu cầu của cơ quan nhà nước. Do đó, việc cung cấp thông tin ở đây chỉ nên dừng lại ở việc sao chụp toàn bộ hồ sơ bệnh án, còn việc cung cấp bản gốc thì sẽ do người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh thoả thuận.

Cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia cho rằng, đối với những nội dung thuộc về tài sản trí tuệ chưa công bố của cơ sở khám chữa bệnh hoặc của bên khác thì các cơ sở khám chữa bệnh có quyền che, làm mờ thông tin đó trước khi cung cấp bệnh án.

Cũng cần lưu ý rằng việc cơ sở khám chữa bệnh phải cung cấp toàn bộ bệnh án cho người bệnh không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của cơ sở khám chữa bệnh phải giữ bí mật thông tin sức khoẻ người bệnh đối với bên thứ ba, trừ trường hợp người bệnh đã từ chối quyền này.

“Khi áp dụng bệnh án điện tử, việc bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân và cơ chế chia sẻ thông tin bệnh án sẽ cần được nghiên cứu kỹ hơn. Tuy nhiên, Luật Khám chữa bệnh có thể chuẩn bị trước một số quy định mang tính nguyên tắc về vấn đề này.

Ví dụ, người bệnh có quyền tiếp cận toàn bộ thông tin trên bệnh án điện tử của mình, các cơ sở khám chữa bệnh khác chỉ có quyền tiếp cận bệnh án điện tử của bệnh nhân khi có sự đồng ý của bệnh nhân, đơn vị cung cấp dịch vụ bệnh án điện tử, cơ sở khám chữa bệnh có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin sức khoẻ của người bệnh” – VCCI góp ý.

Đọc thêm