ĐB Đỗ Văn Bình (Đoàn TP Hải Phòng) nhất trí với quy định về vị trí, chức năng của CSB được nêu tại khoản 1 Điều 8 của dự thảo Luật. Theo đó, CSB Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Giải thích quan điểm của mình, ĐB Bình cho hay, thực tế, thời gian qua, CSB thực thi nhiệm vụ trong điều kiện phải đấu tranh với các diễn biến ngày càng phức tạp của các hoạt động xâm phạm chủ quyền, các hành vi vi phạm luật pháp của các đối tượng có vũ trang trên biển.
Mặt khác, tại mục 5 Điều 3 Luật An ninh quốc gia khẳng định cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Khoản c Điều 22 của Luật này cũng khẳng định CSB là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia. “Như vậy, việc quy định CSB thuộc lực lượng vũ trang nhân dân là phù hợp”, ĐB Bình nói.
Đồng quan điểm, ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, thực tiễn quá trình thực hiện pháp lệnh CSB hiện hành đã chứng minh vị trí của CSB trong lực lượng vũ trang nhân dân, đã phát huy hiệu quả, đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực thi pháp luật trên biển và bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Lực lượng này cũng đã có quan hệ hợp tác phối hợp tốt với các lực lượng chấp pháp trên biển của các quốc gia khác.
“Dự thảo đã xác định Lực lượng CSB Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với tính cách là thành viên của Chính phủ trực tiếp quản lý điều hành và hoạt động, đồng thời khi có xung đột vũ trang trên biển thì đây là lực lượng trực tiếp chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia trong thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. Bởi vậy, quy định CSB Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân là phù hợp”, ĐB Tám nói.
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Ninh Bình), việc ghi vào trong luật lực lượng CSB thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hay là lực lượng vũ trang nhân dân là một vấn đề rất nhạy cảm. Theo ĐB Tuấn, hiện nay trên thế giới cũng có rất nhiều nước có lực lượng giống như chúng ta nhưng các lực lượng này có những tên gọi khác nhau và không trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ví dụ ở Mỹ gọi là lực lượng tuần duyên trực thuộc Bộ An ninh nội địa...
“Nếu chúng ta đưa lực lượng này thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì vô hình trung chúng ta sẽ phải sử dụng lực lượng vũ trang, tức là sử dụng quân đội để xử lý những xung đột trên biển về mặt dân sự”, ĐB Tuấn nói và cho rằng không nên quy định lực lượng CSB là lực lượng vũ trang vào trong luật.
Tranh luận với ĐB Tuấn, ĐB Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phân tích, khoản 1 Điều 22 Luật An ninh quốc gia năm 2004 đã quy định CSB là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia. Tại khoản 5 Điều 3 của Luật này quy định cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia là cơ quan chỉ đạo và chỉ huy đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Do vậy, CSB Việt Nam là một trong những cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc lực lượng vũ trang.
Về thực tiễn, theo ĐB Hoàng, từ năm 1998 khi có pháp lệnh đầu tiên đến nay, lực lượng CSB đã trưởng thành. Đảng và Nhà nước cũng đã tập trung ưu tiên xây dựng lực lượng này chính quy, tinh nhuệ và đi thẳng lên hiện đại. “Đó cũng là một xu thế tất yếu trong xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, phù hợp với điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia”, ĐB nói.
Vẫn theo ĐB Hoàng, “tình hình vùng biển của chúng ta diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Nếu không xác định CSB là lực lượng vũ trang, không tăng cường sức mạnh và phương tiện, trang bị, quản lý vùng biển trong đó có CSB của chúng ta thì rõ ràng chúng ta đánh mất vai trò của lực lượng CSB”, ĐB Hoàng nhận xét. ĐB này cũng cho rằng việc sử dụng lực lượng vũ trang để giải quyết các vấn đề trên biển không tăng tính nhạy cảm trong giải quyết vấn đề quân sự.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng CSB cũng như biên phòng trên đất liền cũng thực hiện nhiệm vụ như lực lượng chấp pháp trên đất liền. Về công tác phòng thủ đất nước khi có chiến tranh xảy ra thì lực lượng CSB, lực lượng biên phòng cũng là lực lượng đầu tiên. “Biên phòng từ xưa đến nay đã là lực lượng vũ trang rồi, CSB cũng tính là lực lượng vũ trang. Tùy theo mỗi nước, mình không thể áp đặt nước khác để áp dụng vào Việt Nam được”, Phó Chủ tịch QH nêu quan điểm.