Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo, Thượng tướng Võ Trọng Việt - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Thượng tướng Lê Chiêm - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến góp ý cho dự án Luật. Đa số ý kiến đều đồng ý cần phải xây dựng, ban hành Luật Cảnh sát Biển Việt Nam như Tờ trình của Chính phủ với 8 chương và 49 điều, nhằm khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh hiện hành, đồng thời thể chế hóa các quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013. Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến còn băn khoăn và đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động… của Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam với các lực lượng khác trên biển, bảo đảm tính thống nhất, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh, trật tự trên các vùng biển Việt Nam, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi khi tổ chức thực hiện. Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan...
Phát biểu ý kiến chỉ đạo phiên họp, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nhất trí với nhiều ý kiến của các đại biểu, nhất là về sự cần thiết phải nâng Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam lên thành Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý Thường trực UBQPAN và Ban soạn thảo cần rà soát kỹ các nội dung, tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, chặt chẽ và khả thi…