Bản lĩnh 'vượt khó' của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chưa bao giờ khó khăn như từ đầu năm 2021 đến nay, nhất là sau ngày 29/4 khi đợt dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, càng khó khăn, càng cho thấy bản lĩnh Việt Nam, bản lĩnh “vượt khó”, thích ứng và phát triển.
Không chỉ sản lượng thu hoạch, tiêu thụ lớn hơn các năm mà vải Bắc Giang còn “vượt dịch” đến với thị trường hơn 30 nước, thuộc nhiều châu lục.
Không chỉ sản lượng thu hoạch, tiêu thụ lớn hơn các năm mà vải Bắc Giang còn “vượt dịch” đến với thị trường hơn 30 nước, thuộc nhiều châu lục.

Chúng ta thử hình dung, khi Bắc Giang – “thủ phủ” vải thiều vào vụ thu hoạch thì tỉnh này trở thành “tâm dịch”. Gần 2 tháng vừa chiến đấu với COVID-19, bảo vệ các khu công nghiệp, bảo vệ nhân dân, vải Bắc Giang không cần đến “giải cứu”. Không chỉ sản lượng thu hoạch, tiêu thụ lớn hơn các năm mà vải Bắc Giang còn “vượt dịch” đến với thị trường hơn 30 nước, thuộc nhiều châu lục.

Về toàn cảnh, 6 tháng đầu năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ghi dấu ấn với những kỷ lục đặc biệt về số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn bổ sung vào nền kinh tế. Trên lĩnh vực đầu tư xây dựng, chỉ riêng Bộ GTVT, dự kiến, trong tháng 6/2021, giải ngân được khoảng 2.424 tỷ đồng, lũy kế tới hết tháng 6/2021 giải ngân được 6.935/14.981 tỷ đồng, đạt 46,3% kế hoạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Ngay các các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4, vẫn có sự gia tăng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với cùng kỳ năm 2020. Điển hình như Bắc Giang (tăng 11,82%), TP HCM (tăng 5,34%), Bắc Ninh (tăng 1,06%)... COVID-19 được xác định là “địch”, một lần nữa khẳng định “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”.

Năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng nên có ý nghĩa đặc biệt. Chính vì thế, Chính phủ kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”. Để thực hiện mục tiêu ấy, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Nghị quyết đề ra 5 mục tiêu và 9 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu, trong đó giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thể hiện tính ưu việt của thể chế, nhân văn của chế độ.

Để thực hiện nó, Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh....

COVID-19 đã và đang thử thách. Càng khó khăn, bản lĩnh Việt Nam càng thuyết phục.

Đọc thêm