Hôm qua (17/10), Viện chiến lược - chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tổ chức hội thảo khoa học những vấn đề về tài nguyên và môi trường trong Hiến pháp sửa đổi. Nhiều ý kiến trong hội thảo cho rằng cần làm rõ nét hơn vai trò của tài nguyên và môi trường trong sự phát triển kinh tế bền vững.
Toàn cảnh hội thảo |
Môi trường - một trong ba trụ cột để phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho rằng, môi trường là một khái niệm rất lớn nhưng lại chưa được đặt trong một chương nào của Hiến pháp 1992. Trên thực tế, Cương lĩnh và các văn kiện của Đảng cũng nhấn mạnh vấn đề bảo vệ môi trường theo quan điểm phát triển bền vững. Môi trường là một trong ba trụ cột, có vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong sửa đổi lần này đưa vấn đề nói trên vào Hiến pháp như thế nào, chọn vấn đề gì cho đúng “tầm” và góp phần để Hiến pháp có sức sống lâu dài là vấn đề cần cân nhắc hết sức thận trọng.
Viện trưởng Viện chiến lược - chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, quá trình lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp, rất nhiều ý kiến quan tâm đề xuất về vấn đề sở hữu đất đai. Từ Hiến pháp năm 1959 đến Hiến pháp 1992, sở hữu trong lĩnh vực nói trên đã rõ dần. Và để cụ thể hơn, Ban biên tập đang đề xuất quy định theo phương án đất đai, nguồn nước, khoáng sản, vùng trời, vùng biển và tài nguyên thiên nhiên khác, các công trình và các tài sản nhà nước đầu tư, quản lý đều thuộc sỏ hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Dự thảo, đất đai là nguồn tài nguyên quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được thống nhất quản lý theo pháp luật và quy hoạch.
Ông Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, không nên quy định đất đai là “tài nguyên quốc gia” mà cần quy định nó là tài sản quốc gia. Bởi tài nguyên là cái tiềm năng, nếu quy định nó là tài sản thì mới là nguồn lực để phát triển đất nước. Ông Tuyến cũng cho rằng, ngoài đất, nguồn nước, khoáng sản…như trong dự thảo sửa đổi thì cần đưa cả rừng vào bởi đây là nguồn tài nguyên quan trọng.
Đề nghị bổ sung địa chất cũng là nguồn tài nguyên, ông Nguyễn Tất Thắng, chuyên gia cao cấp phân tích: địa chất không chỉ là khoa học nghiên cứu mà còn là nguồn tài nguyên của đất nước. Ví dụ như cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).
Chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội Võ Tuấn Nhân thì cho rằng, không nên quy định cụ thể nhà nước có cơ chế, có chính sách bảo đảm quyền A, quyền B… mà chỉ nên quy định trách nhiệm của nhà nước. Bởi, cơ chế, chính sách đó là các công cụ của nhà nước, được nhà nước sử dụng để thực hiện trách nhiệm của mình. “Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản nên phải viết thật gọn và dễ hiểu”, ông Nhân nói.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Thị Minh Hà cũng tỏ rõ quan điểm chỉ nên quy định chung về tài nguyên thiên nhiên mà không cần phải “kê” ra những loại nào vì đã có các luật chuyên ngành quy định.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc lưu ý: “Quy định thế nào để bảo vệ môi trường, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Hiến pháp chỉ nên quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc, còn những vấn đề cụ thể để luật chuyên ngành”.
Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, liên quan đến vấn đề tài nguyên và môi trường, Ban biên tập sẽ tiếp thu, chỉnh lý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo trước khi trình ra Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà: “Đất đai không thể thuộc sở hữu tư nhân” “Có ý kiến trong quá trình thảo luận đặt ra vấn đề sở hữu tư nhân với tài nguyên nhưng tôi cho là không phải. Đất đai, tài nguyên, khoáng sản… là thành quả của hàng ngàn thế hệ, của hàng triệu năm sức lao động chiến đấu hy sinh. Nhà nước ta là nhà nước XHCN nên đất đai, các loại tài nguyên là tài sản của các thế hệ toàn dân. Việc quản lý, khai thác sử dụng bình đẳng giữa công dân thế hệ hôm nay với các thế hệ mai sau thì một cá thể nào đó không làm được mà chỉ có nhà nước. Sở hữu toàn dân có từ lâu rồi và từ lâu đã không thay đổi, ai đó nói đến sở hữu tư nhân thì chỉ là trong phạm trù hẹp. Như cái nhà của mình, cái cây mình trồng trên đất rừng đó là tài sản thuộc sở hữu tư nhân. Không ai nói đất đai là sở hữu tư nhân cả. Nguồn nước cũng vậy. Mình đào cái giếng trong nhà, trong giếng có nguồn nước, cái giếng đó thuộc về mình, nhưng nguồn nước đó lại thuộc một tầng chứa nước mà mọi người cùng sử dụng chung. Cho nên không thể nói nguồn nước đó là sở hữu tư nhân. Phải hiểu nguồn nước ở khái niệm rộng hơn để phân biệt rõ như thế nào là sở hữu tư nhân” |
Thu Hằng