Bản quyền truyền hình bóng đá: “Tiền tươi, thóc thật”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) có đối tác bản quyền mới của 3 giải đấu hàng đầu Việt Nam đã mang đến niềm vui cho các câu lạc bộ khi họ có được nguồn kinh phí lớn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

VPF và Công ty TNHH Truyền hình FPT đã ký kết hợp tác chiến lược về khai thác thương mại, hình ảnh các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Trong đó, FPT Play là đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình V.League, giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia trong 5 mùa giải liên tiếp từ 2023 đến 2027 trên nhiều nền tảng khác nhau.

Trong nhiều năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam đã liên tục gặt hái được nhiều thành công, ghi dấu ấn đặc biệt trên đấu trường khu vực và châu lục. Trong bước chuyển mình mạnh mẽ này, không thể không kể tới đóng góp mang tính nền tảng của các CLB trong nước. Do đó, sự phát triển mạnh mẽ ngay từ các giải đấu mà thỏa thuận hợp tác hướng tới được trông đợi mang lại nhiều đột phá cho bóng đá Việt Nam.

Dự kiến, VPF có thể thu về 2,5 triệu USD (tương đương hơn 60 tỷ đồng) mỗi mùa giải. Được biết, gói tài trợ này sẽ được trả bằng tiền mặt, thay vì bằng những gói quy đổi tài trợ như trước. Đây là khoản thu kỷ lục từ bản quyền truyền hình đối với VPF kể từ khi công ty này thành lập năm 2012. Việc tạo ra một cuộc “cách mạng” lịch sử về bản quyền truyền hình là tin rất vui với bóng đá Việt Nam. Điều này cho thấy giá trị hình ảnh của V.League ngày càng được nâng cao. Nguồn thu của việc bán bản quyền truyền hình sẽ giúp các CLB, ban tổ chức giải có thêm tài chính để đầu tư cho bóng đá.

Đơn cử vào năm ngoái, thay vì chia sẻ 300 - 500 triệu đồng cho mỗi CLB tại V.League thì VPF thông qua sự nhất trí của đa số các đội bóng chuyên nghiệp đã sử dụng khoản tiền trên để mua sắm băng ghế khu kỹ thuật, cabin trọng tài. Sự đồng bộ hiện diện ở tất cả các sân, các đội bóng với chất lượng cao.

Hàng loạt đội bóng trước đây từng bị chỉ trích về điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo như Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định đã không tiếc tiền đầu tư để cải tạo lại mặt cỏ, khán đài, các phòng chức năng khang trang và chất lượng hơn. Vì thế, ngoài việc chất lượng các trận đấu ở V.League được nâng cao, hình ảnh của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế cũng được cải thiện đáng kể.

“Chúng tôi vừa đồng bộ tất cả khu kỹ thuật của các đội bóng ở mùa giải 2022. Bản thân các CLB cũng rất chịu khó đầu tư nâng cấp mặt cỏ, qua đó hình ảnh của V.League đang có nhiều nét tươi mới. Khi có hợp đồng mới, có thêm thu nhập, Hội đồng Quản trị VPF sẽ họp bàn để sử dụng khoản tiền này sao cho phù hợp. Số tiền có thể được dùng để phục vụ các CLB nâng cấp cơ sở vật chất, giúp cải thiện chất lượng truyền hình trận đấu”, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPF chia sẻ.

Cũng theo tiết lộ của ông Trần Anh Tú, từ mùa giải năm nay, yêu cầu về điều kiện sân bãi, cơ sở vật chất dành cho các đội bóng chuyên nghiệp cũng sẽ cao hơn, nhằm thúc đẩy nâng tầm V.League. Hy vọng từ sự đột phá này, chúng ta sẽ không còn nghe những chuyện buồn như câu lạc bộ giải thể, nợ lương, hay sân bãi như cày ruộng… Bóng đá Việt Nam đang đẹp hơn, chơi hay hơn, gay cấn và cạnh tranh khốc liệt hơn.

“Không chỉ nỗ lực trong công tác bản quyền, chúng tôi còn mong muốn thổi bùng tinh thần đam mê thể thao bằng các hoạt động cổ vũ tại nhiều địa phương. Trong kế hoạch đó, sự hợp tác giữa đôi bên sẽ giúp tận dụng triệt để thế mạnh của mỗi doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu nâng cao vị thế cho bóng đá Việt Nam. Với quyết định này, chúng tôi đặt ra mục tiêu tiếp theo là mang tới các nội dung thể thao chất lượng cao ngay tại thị trường trong nước đến đông đảo khán giả”, ông Hoàng Việt Anh – Tổng Giám đốc FPT Telecom khẳng định.