Giải pháp giảm nợ công
Theo VAFI, đẩy mạnh bán vốn nhà nước tại các DN lớn kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn 2016 – 2020 chính là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm trần nợ công, giảm bội chi ngân sách đồng thời tạo thêm nguồn vốn đầu tư vào các dự án lớn nhằm phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước .
Theo ước tính của VAFI, nếu thực hiện quyết liệt ,NSNN sẽ có thêm từ 30 - 40 tỷ USD trong giai đoạn 2017 – 2020 .
“Nếu như chỉ bán cổ phần nhà nước ở Vinamilk tương ứng tỷ lệ 9%/ vốn điều lệ (VĐL), số tiền thu được khoảng trên 800 triệu USD sẽ không giải quyết được các mục tiêu kiểm soát trần nợ công và có thêm nguồn vốn cho các dự án của nhà nước …” – Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI khẳng định.
Dẫn đề xuất của Bộ GTVT về dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam cần tới 5 tỷ USD vốn NSNN nhưng Bộ Tài chính chưa có câu trả lời về thu xếp nguồn vốn, VAFI cho rằng việc bán toàn bộ lô cổ phần nhà nước tại VNM sẽ thu được hơn 5 tỷ USD và sẽ giải quyết vấn đề vốn cho dự án này.
Mặt khác, VAFI cũng cho rằng, do yêu cầu cần kiểm soát trần nợ công thì Chính phủ khó có thể duy trì tỷ lệ cổ phần tại VNM trong thời gian dài được và quá trình thoái vốn chỉ diễn ra không quá 2 năm, cho nên phương án bán VNM thành nhiều đợt trong thời gian ngắn sẽ không mang lại giá bán cao nhất.
Thu hút nhà đầu tư chiến lược
Không chỉ góp phần làm giảm nợ công, VAFI còn cho rằng cần thu hút nhà đầu tư (NĐT) chiến lược nước ngoài tham gia vào tiến trình bán cổ phần nhà nước tại các DN lớn để đạt được mục tiêu NSNN thu thêm từ 30 tỷ - 40 tỷ USD trong giai đoạn 2017 – 2020 .
Theo VAFI, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực, quy mô vốn của các NĐT tài chính trong nước và nước ngoài đang tham gia vào thị trường cũng còn nhỏ bé và việc huy động thêm nhiều vốn là không hề đơn giản. Bằng chứng là trong 2 năm qua, chỉ có vài quỹ đầu tư nước ngoài huy động thêm vốn với quy mô từ 100 triệu – 200 triệu USD chomỗi quỹ.
“Đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa DNNN sẽ thu hút thêm nguồn vốn đầu tư gián tiếp nhưng cũng không thể nhiều đến mức để có thể hấp thụ được việc mua cổ phần với số lượng vài chục tỷ USD , vì vậy cần phải mở ra kênh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào các DN cổ phần hóa”- Ông Hải quả quyết.
Cùng với đó, thu hút các NĐT chiến lược nước ngoài (FDI ) sẽ làm cho chất lượng cổ đông tốt hơn vì họ đem vốn và công nghệ, thị trường đầu tư vào DN cổ phần hóa. Tổ chức này cũng bày tỏ mong muốn VNM sẽ là trường hợp mở đầu và khích lệ đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước tham gia vào tiến trình cổ phần hóa từ đó nhà nước sẽ thu được nhiều giá trị gia tăng trong việc thoái vốn. Và nếu mở rộng cửa cho nhiều NĐT FDI tham gia đấu giá thì phải cho họ có cơ hội thời gian để tìm hiểu kỹ về VNM, và thời gian tìm hiểu này ít nhất phải 4 tháng, cho nên việc bán cổ phần không thể tiến hành nhanh được.
Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và SCIC, VAFI đề nghị Bộ Tài chính và SCIC nên đặt yêu cầu với liên danh tư vấn là đưa ra phương án bán cổ phần với giá cao nhất chứ không nên đưa ra phương án bán cổ phần nhà nước tại VNM thành nhiều đợt rồi đề nghị liên danh tư vấn theo phương án đó.
“Được biết Bộ Tài chính đã trình phương án bán 9%/VĐL lên Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên trong tiến trình tiếp nhận tư vấn, phản biện từ nhiều phía, nếu phát hiện phương án mới có lợi cho nhà nước thì không ngại ngần gì báo cáo Thủ tướng chính phủ phê duyệt lại …”- Văn bản của VAFI đề nghị.