Bạn trẻ hào hứng 'sống cùng'... thời bao cấp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các không gian, triển lãm, cuốn sách, quán ăn hay cafe hoài niệm thời bao cấp khiến giới trẻ thích thú và có cảm xúc đặc biệt. Các bạn trẻ thêm hiểu và yêu thương ông bà, bố mẹ hơn, cũng như yêu thương một giai đoạn khó khăn nhưng đầy kỷ niệm của Hà Nội.
Các vật dụng thời... tem phiếu.
Các vật dụng thời... tem phiếu.

Ngược thời gian, trở về thời “tem phiếu”

Những năm gần đây, có không ít không gian, triển lãm, cuốn sách quay ngược thời gian, trở về... thời bao cấp. Nằm ngay ngã tư Ngũ Xã - Trúc Bạch (Hà Nội), một không gian đặc biệt mang tên “Tuyến tàu điện số 6 - Toa Bao cấp: Bếp - chạn - mâm” là điểm đến mang nét hoài cổ. Đây là dự án do UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) chỉ đạo triển khai, mở cửa đón khách tham quan miễn phí, nhằm tái hiện không khí Hà Nội xưa và giới thiệu văn hóa, ẩm thực Việt Nam. Dự án được kì vọng trở thành điểm check in thu hút du khách mùa thu này.

Hà Nội từng có mạng lưới tàu điện mặt đất với 5 tuyến, chạy từ những năm 1901 - 1991. Đây là một phần ký ức không thể quên của người dân Thủ đô sống ở thế kỷ trước. Một góc rất Hà Nội xưa với hình ảnh bảng tin, những chiếc xe đạp Phượng Hoàng 2 gióng, cây cột điện sắt nguyên bản... Bên trong toa tàu được trưng bày những món đồ thật từ thời bao cấp như: phích nước, bát đĩa, quạt, đầu đĩa, nồi, niêu, xoong, chảo…. Đây là những đồ sưu tầm hoặc được người dân quyên góp. Cùng đó là mô hình một số món ăn đặc trưng trong bữa cơm gia đình thời bao cấp như: đậu rán tẩm hành, lạc rang, cà pháo, rau luộc, canh mồng tơi, cơm độn sắn…

Phía bên ngoài được trang trí nhiều đồ dùng thời xưa với hàng bán nước chè, điếu cày, thuốc lá, bỏng ngô... khơi gợi lại ký ức của người Việt xưa. Những tờ báo cũng được trưng bày tại không gian thời bao cấp nằm giữa không gian vui chơi ở ngã tư Ngũ Xã - Trúc Bạch.

Không chỉ các bạn trẻ, du khách nước ngoài cũng thích thú tìm hiểu, trải nghiệm, checkin - chụp ảnh tại không gian đậm chất Việt Nam thời kì bao cấp, ngồi bên những bộ bàn ghế gỗ sờn màu cùng cốc nước chè đặc trưng Hà Nội xưa.

Anh Maximilian Rolf (26 tuổi, người Đức) tự đặt tên Việt mình là Đại. Sau khi học tiếng Việt ở trường đại học Đức, anh bắt đầu sang Việt Nam khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi đây. Là người thích khám phá và tìm hiểu, chỉ trong vòng 2 năm ở Việt Nam, anh khá rành về Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Thành phố anh yêu thích nhất đó là Hà Nội bởi Hà Nội sống chậm, hiền hòa và ẩm thực rất ngon. Maximilian Rolf đang là giáo viên dạy tiếng Việt cho những người Đức và là tiktoker với tên “Đại ơi”.

Trải nghiệm khi ngồi bán hàng nước chè bao cấp trong bộ áo và nón in hình cờ đỏ sao vàng, anh Maximilian Rolf đầy hào hứng: “Qua bạn bè, tôi biết tới “Tuyến tàu điện số 6 - Toa bao cấp: bếp - chạn - mâm”. Tôi thấy vui vì đã tìm hiểu một thời kỳ đáng nhớ của Việt Nam. Tôi sẽ sáng tạo nội dung trên Tiktok và các mạng xã hội khác để quảng bá thời bao cấp được tái hiện tại thế kỷ XXI”.

Hoài niệm để thương ông bà, cha mẹ

Nắm bắt được nhu cầu giới trẻ, tại Hà Nội, một số nhà hàng, cafe thiết kế nội thất theo hoài niệm như cửa hàng mậu dịch và ẩm thực giống như thời bao cấp. Thực khách như được vào một thế giới khác lạ, với những bờ tường gạch xù xì được quét sơn trắng, chiếc điện thoại quay số, đồng hồ cổ, đài cát-sét cũ, những chiếc nón lá, mũ cối, chiếc mâm, một chiếc bi-đông, một đôi dép cao su, chiếc xe đạp cà tàng, chiếc ti-vi đời cũ, bát đũa, thực đơn, bảng hiệu thời bao cấp xếp hàng lấy nước, chiếc chạn lâu đời với những bát, đĩa tráng men... đều mang đậm dấu ấn các vật dụng của một thời bao cấp.

Tại đây còn treo nhiều bức ảnh về Hà Nội, những ký ức xưa. Để gọi món, nếu vào giờ quán đông khách, thì phải xếp hàng chờ đến lượt, sau đó nhân viên sẽ ghi đồ ăn lên một tờ tem phiếu. Thực đơn được thiết kế giống sổ mua lương thực thời bao cấp, bìa ghi “Sổ đăng ký mua lương thực”. Ngay những món ăn cũng có thể khiến thực khách ở thế hệ trước xúc động khi đọc tên như: Cơm độn khoai, bánh đúc, phở không người lái, phở trộn cơm nguội, dưa xào tóp mỡ...

Bữa ăn thời bao cấp. (Ảnh trong bài: Bảo Châu)

Bữa ăn thời bao cấp. (Ảnh trong bài: Bảo Châu)

Còn có quán cafe lại thiết kế theo mô típ trang trí chủ đạo với gam màu xanh bộ đội, vỏ chăn con công buộc vào ghế 2 đai cũ làm đệm, cửa sổ có chấn song gỗ mộc. Trong khung cảnh không gian văn hóa thời kỳ bao cấp mộc mạc và gần gũi, giới trẻ được tự đi chợ, đổi tem phiếu, trải nghiệm văn hóa xếp hàng trật tự, ngay ngắn.

Có triển lãm còn tái hiện không gian sinh hoạt của một gia đình được xem là “giàu có” thời đó, với những vật dụng đáng mơ ước của hơn 30 năm về trước như: tủ búp-phê, bàn ghế sa-lông, ti-vi đen trắng... Phòng khách và phòng ngủ chỉ được ngăn bằng một chiếc ri-đô. Nhà bếp đặt ngay cạnh giường ngủ, với một chiếc nồi áp suất do Liên Xô sản xuất. Triển lãm cũng giới thiệu những bài thơ, câu ca điển hình cho cuộc sống thời bao cấp như: “Một yêu anh có may ô/Hai yêu anh có cá khô ăn dần...” hay “Nhất gạo, nhì rau/Tam dầu, tứ muối...”.

Các không gian, triển lãm, sách, quán ăn hay cafe hoài niệm thời bao cấp khiến giới trẻ @ thích thú và có cảm xúc đặc biệt. Hoài Nga (20 tuổi) xúc động: “Tôi từng được nghe ông bà, bố mẹ kể về một thời ăn cơm độn khoai sẵn, bữa cơm không có thịt, nếu có chút tóp mỡ, một miếng giò là thấy hạnh phúc hay cả năm mặc đi mặc lại 1-2 bộ quần áo, phải thức đêm để gánh nước về nhà hay dậy từ tờ mờ sáng để xếp hàng mua gạo.

Những câu chuyện đó, trước đây tôi nghe cảm thấy mơ hồ. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến những đồ vận dụng, đọc sách viết về thời bao cấp và được trải nghiệm thưởng thức... cơm độn sắn với nước mắm, tôi mới thấy xúc động và thương ông bà, bố mẹ vất vả nuôi nấng mình. Ngược dòng thời gian hoài niệm về quá khứ, tôi và các bạn được nghe những câu chuyện giờ chỉ còn là kỷ niệm, chiêm nghiệm quá khứ và cùng hướng tới tương lai đầy hoài bão.".

Bao cấp, với người dân Việt Nam, được hiểu đơn giản là tất cả đều do Nhà nước đứng ra bao hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm, cho đến lương thực hằng ngày… Thời kỳ bao cấp thường được dùng để chỉ sinh hoạt kinh tế cả nước Việt Nam ở giai đoạn từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986 trên toàn quốc, tức là trước Đổi Mới.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi bao cấp là cái thời “đặt gạch xếp hàng”. Bởi sở dĩ muốn mua được lương thực, thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, ông bà, bố mẹ thời đó phải đi xếp hàng từ 3 - 4 giờ sáng để giữ chỗ. Phòng khi cửa hàng bán nửa chừng mà hết đồ lại phải tay không quay về. Và thời ấy, người ta dùng những cục gạch, chiếc dép, mảnh gỗ, thậm chí là những viên đá khắc tên hẳn hoi để “xí chỗ” từ tờ mờ sớm sương và người thật chỉ việc đứng vào khi cửa hàng mậu dịch bắt đầu mở cửa. Trong những khó khăn, thiếu thốn, nhọc nhằn của một thời khốn khó từ cuốn sổ gạo, cục gạch xếp hàng... khuôn mặt người dân vẫn ánh lên sự vui tươi và hy vọng.

Đó là những cuốn sổ gạo “vật bất ly thân” với các hộ gia đình. Nó quan trọng đến nỗi đã trở thành một câu “thành ngữ” khi nói ai đó có chuyện buồn - “buồn như mất sổ gạo”. Đó là những chiếc tem phiếu để mua thịt, mua vải may quần áo, hay nhiều nhu yếu phẩm khác... Đi kèm với những hiện vật ấy là những lời giải thích, nếu không giới trẻ ngày nay không thể hiểu nổi thế nào là bao cấp, thế nào là phân phối, thế nào là mậu dịch...

Nhiều du khách ngược thời gian trở về thời bao cấp.

Nhiều du khách ngược thời gian trở về thời bao cấp.

Hầu hết, các bạn trẻ thời nay hiểu về thời bao cấp qua những mẩu chuyện vụn vặt của ông bà, bố mẹ. Những ngày đói ăn chỉ có tóp mỡ và khoai độn với cơm. Tết của ngày nay là “mâm cao cỗ đầy”, món ăn gì cũng có sẵn để mua và mua bất cứ lúc nào đến mức quen thuộc. Còn Tết của thời bao cấp, có được miếng thịt, miếng giò trong mâm cơm là cả một niềm hạnh phúc.

Một góc giường ngủ thời kỳ tem phiếu. Nổi bật là chiếc chăn con công, một tài sản quý của gia đình. Ở dưới đất là đôi dép cao su được làm từ lốp xe, được sử dụng phổ biến thời đó. Bàn trưng bày tiền giấy, bằng khen, sổ đội viên…. Tiền giấy vào thời điểm đó không khuyến khích được dùng. Tất cả hàng hóa đều được nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu. Lương đôi khi cũng được trả bằng hiện vật.

Phần lớn khách tham quan đến với những triển lãm này là những bạn trẻ, những người mong muốn được tìm hiểu, trải nghiệm về cuộc sống trước đây. Nhưng cũng không ít khách tham quan ở độ tuổi trung niên, những người từng sống qua thời bao cấp.

Có thể thấy, con người thời bao cấp đã biết vượt lên những khó khăn vật chất để tìm thấy niềm vui, để tự động viên mình tiếp tục sống và làm việc.

Hoài niệm về thời bao cấp, các bạn trẻ thêm hiểu và yêu thương ông bà, bố mẹ hơn. Các bạn trẻ thêm yêu cuộc sống hiện tại và trân trọng với quá khứ - một giai đoạn lịch sử có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa, xã hội của Việt Nam, một giai đoạn khó khăn nhưng đầy kỷ niệm của Hà Nội.

Đọc thêm