Bàn việc xây dựng Luật Chứng thực

Hôm qua (16/11), phối hợp với Trung tâm Truyền thông pháp luật Việt Nam (Báo Pháp luật Việt Nam), Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) đã tổ chức tọa đàm “Một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ việc xây dựng Luật Chứng thực”. Đây là hoạt động triển khai Kế hoạch xây dựng Dự án Luật Chứng thực để bước đầu rút ra những định hướng lớn cho việc soạn thảo Dự án Luật.

Hôm qua (16/11), phối hợp với Trung tâm Truyền thông pháp luật Việt Nam (Báo Pháp luật Việt Nam), Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) đã tổ chức tọa đàm “Một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ việc xây dựng Luật Chứng thực”. Đây là hoạt động triển khai Kế hoạch xây dựng Dự án Luật Chứng thực để bước đầu rút ra những định hướng lớn cho việc soạn thảo Dự án Luật.

Thứ trưởng Lê Hồng Sơn chủ trì Tọa đàm
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn chủ trì Tọa đàm

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết: Sau khi Quốc hội thông qua Luật Công chứng, tách hoạt động công chứng với chứng thực thì Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

Từ đó đến nay, trên cơ sở Nghị định 79, công tác quản lý và thực hiện chứng thực ở nước ta đã từng bước đi vào nền nếp. Với mạng lưới cơ quan chứng thực gồm trên 700 Phòng Tư pháp (thuộc UBND cấp huyện), hơn 11 nghìn UBND cấp xã và gần 200 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đã thực sự giải tỏa được tình trạng ách tắc trong công tác chứng thực so với thời kỳ trước đây, đáp ứng nhu cầu chứng thực ngày càng cao của người dân ở trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Sơn, sau 5 năm thực thi Nghị định 79, công tác chứng thực cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như quy định pháp luật về hoạt động chứng thực phân tán trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều cấp độ và tản mát ở nhiều lĩnh vực khác nhau; việc phân định thẩm quyền chứng thực giữa UBND cấp huyện với UBND cấp xã chưa thật sự hợp lý; nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp nhận bản sao không cần chứng thực; chưa có quy định để quản lý đội ngũ người dịch/ tổ chức hành nghề dịch thuật; đội ngũ cán bộ làm công tác chứng thực chưa được bố trí, đào tạo đầy đủ, ổn định...

Vì vậy, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu tham dự cùng nhau trao đổi, thảo luận, đánh giá về những mặt được, chưa được của công tác chứng thực trong thời gian qua, đồng thời làm rõ một số vấn đề về cơ sở lý luận, thực tiễn liên quan đến công tác chứng thực, nhằm giúp cho Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Chứng thực xác định đúng và trúng những vấn đề cần thiết, có tính định hướng về phạm vi, đối tượng và nội dung điều chỉnh của Dự án Luật.

Đại diện Vụ Hành chính tư pháp – đơn vị được giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật Chứng thực – đã nêu dự kiến một số định hướng xây dựng Luật này. Cụ thể, về khái niệm chứng thực, sẽ làm rõ và so sánh với các khái niệm chứng thực, chứng nhận và công chứng.

Về phạm vi, đang đề xuất 2 phương án là ngoài các hành vi chứng thực theo pháp luật hiện hành thì cần đưa một số việc mà cơ quan nhà nước vẫn thực hiện “xác nhận” theo yêu cầu của người dân như xác nhận hồ sơ vay vốn, sơ yếu lý lịch, lời khai sự kiện, kê khai thu nhập, có mặt tại nơi cư trú... vào đối tượng điều chỉnh của Luật Chứng thực; nghiên cứu mối quan hệ giữa pháp luật về chứng thực và pháp luật chứng thực chữ ký số, chứng thực lưu trữ.

Còn phương án 2 là quy định cụ thể những hành vi được coi là chứng thực, những trường hợp nào cần chứng thực, những hành vi không được Luật quy định thì không được gọi là chứng thực và trình tự, thủ tục của từng loại việc. Ngoài ra, Luật cũng sẽ quy định về mô hình quản lý và thẩm quyền thực hiện chứng thực, về người thực hiện chứng thực ở UBND cấp xã, về các trường hợp chứng thực không hợp lệ…

Thục Quyên

Đọc thêm