Bánh cáy Thái Bình lo ngay ngáy chuyện mất thương hiệu

(PLO) - Từ lâu, bánh cáy làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình) đã được coi là đặc sản của vùng quê lúa và là món dùng để cúng tiến vua. Với hơn 200 năm làm nghề, làng vẫn giữ được chất bánh thơm, ngon truyền thống. Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội, việc sản xuất “mạnh ai nấy làm” thì việc  xây dựng một thương hiệu làng nghề chung là một khó khăn lớn.
Một cơ sở sản xuất bánh cáy ở Nguyên Xá
Một cơ sở sản xuất bánh cáy ở Nguyên Xá 
Làng nghề hơn 200 năm tuổi…
Nhâm nhi mẩu bánh cáy giòn thơm của vị nếp cái hoa vàng, ngọt đượm của đường mật, bùi bùi của vừng…với tách trà nóng hổi thì thật tuyệt vời. Đó là cách mà người Thái Bình vẫn ca ngợi món quà đặc sản của họ. Bánh cáy từ lâu đã trở thành một món quà quê không thể thiếu của người dân Thái Bình mỗi dịp có khách phương xa tới thăm. Để rồi cái tiếng của một loại bánh ngon chỉ có ở Thái Bình được nhiều người biết đến.
Theo tư liệu, bánh cáy có nguồn gốc từ bánh chè lam. Bánh do bà Nguyễn Thị Tần (sinh năm 1724, đời thứ 6 tộc Nguyễn Công, làng Nguyên Xá, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) sáng chế. Bà vốn là người thông minh, có nhiều công lao với triều đình nhà Lê. Vốn xuất thân từ nông dân, bà đã kết hợp nguyên liệu sẵn có từ quê hương đồng nội làm ra một thứ bánh mới có gạo, vừng, đường, gừng, quả dành dành gọi là bánh ngũ vị. 
Sau khi đem tiến vua, được Vua Hiển Tông khen ngon và đặt tên là “bánh cáy” vì nhìn màu sắc giống trứng con cáy. Từ đó bánh cáy gắn liền với quê hương Nguyên Xá và được lưu truyền, phát triển trong xã cho đến tận ngày nay. 
Để làm ra chiếc bánh cáy thơm ngon đặc biệt, đòi hỏi sự công phu của người thợ ngay từ khâu chọn nguyên liệu: gạo nếp cái hoa vàng, lạc, vừng, gấc, cà rốt, vỏ quýt, dừa, mứt bí, gừng, đường nha, mật mía, quả dành dành. Bánh làm ra thơm ngon, hòa quyện của “lục sắc, bát vị”, ăn có độ dẻo của gạo nếp, độ giòn của lạc, của mứt cà rốt, vị thơm cay của gừng, của vỏ quýt, vị thanh ngọt mát của đường, mạch nha, mật mía.
Hiện toàn xã Nguyên Xá có vài chục hộ sản xuất thường xuyên, còn dịp Tết thì tăng lên khoảng hơn 100 hộ. Anh Nguyễn Trọng Thường, chủ cơ sở sản xuất Thường Xuân cho biết: “Nghề của làng có từ lâu lắm rồi. Gia đình tôi thừa kế nghề làm bánh cáy của các cụ đã hơn 30 năm, bánh của gia đình không bán tại các cửa hàng mà chủ yếu do các cơ quan của tỉnh, của huyện đặt hàng”. 
Nguy cơ mất thương hiệu vì tư duy riêng rẽ
Tuy nhiên, Nguyên Xá hiện còn rất ít gia đình giữ được cách làm bánh truyền thống. Khi máy móc, công nghệ tham gia vào khâu sản xuất thì những thao tác thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ đã mất dần. Vì thế chất lượng bánh cáy bị ảnh hưởng nhiều, sự thêm bớt nguyên liệu làm mất đi nét đặc trưng và dư vị vốn có của bánh cáy. Có những thời điểm bánh cáy cổ truyền không được quan tâm hoặc bánh cáy Thái Bình bị chìm lắng bởi chất lượng kém, trong khi trên thị trường xuất hiện nhiều hàng.
Chị Trịnh Thị Trà My (quê Nam Định) cho biết: “Đã có lần tôi mua bánh cáy dọc đường nhưng về nhà ăn không thơm, không mềm như lời mọi người giới thiệu mà khô cứng. Sau lần đó, tôi hiếm khi mua loại bánh này vì không thấy ngon, cũng nghĩ đó là hàng nhái, nhưng giờ muốn mua bánh cáy chính hiệu cũng khó vì trên hộp bánh nào cũng thấy ghi “Đặc sản bánh cáy làng Nguyễn”. 
Chị Hoàng Thị Xuân, chủ một cơ sở sản xuất bánh cáy ở làng Nguyễn chia sẻ: “Việc bắt gặp bánh giả thương hiệu làng Nguyễn trên thị trường là không hiếm và không khó nhận ra. Tôi đã từng thấy những quầy bán bánh cáy nhái ở đền Bà Chúa Kho. Người ta ép phỏng với lạc làm thành bánh, chi phí nguyên liệu chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng nhưng vẫn bán với giá 20.000 - 25.000 đồng như các sản phẩm chính hiệu. 
Còn bánh cáy Thái Bình đều được làm từ gạo nếp hoa vàng, đường tinh luyện, mật mía, lạc, cà rốt, dừa…Chúng tôi biết là bánh bị làm nhái nhưng cũng chẳng làm được gì vì hiện tại, gia đình mới chỉ lấy tên là cơ sở sản xuất gia truyền chứ chưa đăng ký thành sản phẩm thương hiệu độc quyền”. 
Ông Nguyễn Như Hùng - Phó Chủ tịch HĐND xã Nguyên Xá trăn trở, lãnh đạo xã và những nghệ nhân ở Nguyên Xá rất muốn thành lập một hiệp hội sản xuất chung, từ đó xây dựng thành thương hiệu cho bánh cáy làng Nguyễn. Chỉ có như vậy mới có thể bảo vệ mình trước sự cạnh tranh với hàng nhái, hàng kém chất lượng. 
Tuy nhiên, đăng ký thương hiệu bánh cáy Thái Bình là điều không hề dễ bởi sản phẩm này hiện đang được sản xuất theo từng hộ gia đình. Trong khi chính quyền xã muốn thành lập hiệp hội sản xuất, xây dựng thương hiệu chung là “Bánh cáy làng Nguyễn” thì những cơ sở làm bánh ở đây lại ít mặn mà với việc này.
Những nhà sản xuất bánh cáy có quan điểm riêng: mỗi nhà có bí quyết khác nhau, tạo nên hương vị bánh cáy riêng, vì vậy việc sản xuất chung có thể làm mất đi sự độc đáo gia truyền. Với tư duy mạnh ai nấy làm như hiện nay thì Nguyên Xá sẽ rất khó để thành lập được một thương hiệu chung. 
Trước sự phát triển và cạnh tranh ngày càng cao của thị trường, để giữ gìn và phát triển làng nghề hơn 200 năm tuổi này, cần phải có sự phối hợp, nỗ lực chung của các cấp chính quyền cùng những hộ sản xuất. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất cần đặt mục tiêu, lợi ích kinh doanh lâu dài lên hàng đầu, tránh kiểu sản xuất tự lập, riêng rẽ.

Đọc thêm