Tại cuộc họp báo giới thiệu về dự thảo "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế" diễn ra vào chiều 20/10, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã tham khảo quy định của một số nước ASEAN và đề xuất sửa đổi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, giảm mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe ưu tiên phát triển. Áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3.0 lít tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.
Cụ thể, với dòng xe dung tích xi lanh từ 1.0 lít trở xuống, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt là 40% từ 1/7/2016 giảm 5 điểm phần trăm so với hiện hành. Mức thuế sẽ lần lượt giảm về mức 30% và 20% tương ứng từ năm 2018 và 2019.
Mức giảm tương tự cũng được áp dụng với dòng xe có dung tích xi lanh trên 1.0 lít đến 1.5 lít, và loại trên 1.5 lít tới 2.0 lít. Tới năm 2019, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với các dòng xe này sẽ còn lần lượt là 25% và 30%.
"Tới năm 2019, dòng xe giảm giá sâu nhất có thể sẽ giảm 42% so với mức giá hiện tại… Việc giảm thuế sẽ tạo điều kiện để người dân có thu nhập trung bình và trung bình khá tiếp cận được với ô tô” ông Thi nói.
Ngược lại, với dòng xe có dung tích xi lanh từ 2.5 lít trở lên, phương án đưa ra là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng từ 10 đến 90 điểm phần trăm so với hiện hành.
Trước những lo ngại về tác động của việc giảm thuế đến nguồn thu ngân sách, ông Thi cho biết, thuế suất giảm giúp giá xe bán ra giảm qua đó dung lượng thị trường tăng lên và nguồn thu ngân sách sẽ tăng.
"Mặc dù sẽ có thể giảm thu ngân sách nhà nước nhất định trong những năm đầu đi vào thực hiện Luật nhưng việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những dòng xe nhỏ hơn sẽ buộc một số nhà sản xuất phải lựa chọn đầu tư tiếp tục sản xuất, lắp ráp lâu dài tại Việt Nam, từ đó đem lại khả năng đầu tư, sản xuất trong nước từ công nghiệp phụ trợ đến sản xuất động cơ mà không dừng ở mức độ lắp ráp như hiện nay.
Bên cạnh đó, tăng sản lượng xe sẽ tăng tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ liên quan như xăng, dầu, phụ kiện ô tô... qua đó tăng thu ngân sách nhà nước", ông Thi cho biết thêm.
Thực tế, một trong những nguyên nhân được Bộ Tài chính từng đưa ra giải thích việc thu ngân sách tăng do kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng mạnh, tính đến hết tháng 8 năm 2015 đã tăng 132,1% so với cùng kỳ năm 2014.