Hàng nội chiếm ưu thế
Theo ghi nhận của PV, các loại bánh, kẹo sản xuất trong nước với những thương hiệu quen thuộc như: Kinh Ðô, Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà... đang chiếm một tỷ lệ áp đảo so với tỷ lệ lên tới 80%. Một số bánh kẹo nhập ngoại tuy được bày ở những vị trí khá bắt mắt nhưng số lượng và chủng loại khiêm tốn hơn những năm trước…
Đang chọn mua một ít bánh kẹo tại siêu thị Vinmart Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội), bà Nguyễn Thanh Tuyền cho biết, nhiều năm trở lại đây, bà đều tin dùng các loại bánh, kẹo mang thương hiệu Việt Nam. Bởi hàng Việt giờ đây có rất nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, đa dạng, ăn ngon không thua kém hàng nhập khẩu mà giá chỉ bằng một nửa, làm quà tặng và để ăn trong gia đình đều thích hợp.
Chị Hoa, chủ một cửa hàng bánh kẹo trên đường Bưởi cho biết, một tuần trở lại đây, lượng bánh kẹo đã bắt đầu được bày bán nhiều, mặc dù sức mua chưa nhiều. Xu hướng tiêu dùng hiện nay vẫn là hàng Việt, khách hàng quan tâm tới chất lượng nhiều hơn là giá thành, hàng hóa phải có xuất xứ rõ ràng. Về giá cả, năm nay các loại bánh kẹo hầu như không tăng so với năm trước. Một số sản phẩm cao cấp hơn thì giá tăng khoảng 5-10%. Giá các loại bánh kẹo thường dao động từ vài chục cho tới vài trăm nghìn đồng/hộp tùy loại.
Với các công ty bánh kẹo, Tết là thời điểm tiêu thụ quan trọng nhất trong năm, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng từ cuối quý I, chẳng hạn Công ty Cổ phần Bibica đã chuẩn bị hàng từ hồi tháng 3.
Theo tìm hiểu, Tết năm 2020, Bibica chuẩn bị trên 3.000 tấn bánh, kẹo các loại, ước tăng khoảng 20% so với mùa Tết năm 2019. Tháng 10/2019, Bibica đã đưa vào hoạt động một nhà máy mới tại Long An và ra mắt thêm 2 sản phẩm, góp phần tăng năng lực sản xuất cho công ty. Năm nay ngoài chất lượng, Bibica tập trung rất nhiều vào bao bì, với nhiều sản phẩm gắn với ý nghĩa Tết như bộ sản phẩm năm chuột vàng - Canh Tý 2020, Mã đáo thành công, Thuận buồm xuôi gió…
Cẩn trọng bánh, kẹo trôi nổi
Bên cạnh niềm vui về sự soán ngôi của hàng Việt so với hàng ngoại, nỗi lo về bánh kẹo trôi nổi không nhãn mác vẫn còn.
Tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), một trong số những chợ đầu mối lớn, nhiều mặt hàng như các loại ô mai, mứt, bánh chuối, hoa quả sấy… được bày bán tràn lan. Những loại bánh, kẹo, mứt này đều bán theo cân, không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng được đựng trong các khay, đặt trực tiếp tại sạp gỗ ở chợ. Khi được hỏi về nguồn gốc, chủ cửa hàng nào cũng khẳng định đây là hàng gia công, chất lượng, hạn sử dụng lâu dài nên cứ yên tâm.
Có thể thấy, việc bánh, mứt, kẹo chất lượng kém được bán tràn lan ở các chợ vào dịp Tết là chuyện không còn mới. Các cơ quan chức năng đã có nhiều hành động quyết liệt song tình hình vẫn rất khó kiểm soát.
Mới đây, ngày 18/12/2019, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã phối hợp với phòng P7 C05 và Cục Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra và bắt giữ 3 xe tải chở bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng khối lượng khoảng 30 tấn.
Trước đó, Đội QLTT số 24 thuộc Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra đột xuất 2 cơ sở sản xuất bánh, mứt tại Khu công nghiệp La Phù (Hoài Đức, Hà Nội). Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ 1.140 hộp bánh quy thành phẩm, 1.020 hộp mứt tết, 90kg táo khô, 27kg bánh nguyên liệu, 400 vỏ hộp và 100 khay nhựa.
Để đảm bảo sức khỏe trong dịp Tết sắp tới, người tiêu dùng cần chú ý lựa chọn sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên thị trường, mua tại các điểm bán chính thống như siêu thị, đại lý, cửa hàng tạp hóa đáng tin cậy. Không nên mua các sản phẩm trôi nổi không nhãn mác, không rõ xuất xứ thường được bày bán tại các chợ cóc.
Khi mua sắm cần lưu ý các thông tin về nơi sản xuất, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng và cách bảo quản sản phẩm được in trên bao bì. Người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm bánh kẹo đã được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm cấp.