Bánh mì Việt không còn là baguette Pháp
Từ nhiều năm nay, bánh mì Việt Nam đã trở thành hiện tượng toàn cầu, lan khắp từ Sài Gòn, Hà Nội đến Bắc Mỹ, châu Âu và những phần còn lại của thế giới. Hầu như tất cả các thành phố ở Bắc Mỹ đều có những cửa hàng lẻ, xe bán hàng lưu động (food truck) hoặc chuỗi thương hiệu bánh mì mang những tên gọi khác nhau như: bánh mì Sài Gòn (New York), BunMee (San Francisco), BONMi (Washington), Bánh mì Ba lẹ (Philadelphia), Bánh Shop (Dallas), Bánh mì Boys (Toronto)…
Điểm thú vị là, công dân toàn cầu ý thức được khi họ tới những cửa hàng trên để mua bánh mì kẹp kiểu Việt Nam chứ không phải bánh mì baguette của Pháp, kể cả có cửa hàng mang tên Bánh mì baguette (Chicago, Mỹ), thực khách vẫn hiểu được đó là baguette kiểu Việt Nam.
Những nhà báo, chuyên gia ẩm thực trên thế giới đã dành biết bao mỹ từ cho bánh mì Việt Nam. Trên blog ẩm thực nổi tiếng “I am a Food Blog” của hai vợ chồng người Mỹ Mike & Steph từng khẳng định bánh mì Việt Nam là loại sandwich họ mến mộ nhất.
Năm 2017, theo bảng xếp hạng từ website du lịch uy tín của Úc traveller.com.au, bánh mì Việt Nam được xướng tên trong bảng xếp hạng 10 quốc gia có món sandwich ngon nhất thế giới.
Đặc biệt, năm 2014, cây bút ẩm thực David Farley đã cất công đi tìm những nguyên do tại sao bánh mì Việt Nam ngon miệng đến thế và sẽ trở thành một hiện tượng thế giới. Trong bài viết nhan đề "Có phải bánh mì là sandwich ngon nhất thế giới?" đăng trên BBC (Mỹ), bánh mì được cho là sản phẩm của sự giao thoa văn hóa và ẩm thực, chứa đựng trong đó nét tinh tế của phương Đông lẫn phương Tây.
Theo Farley, món ăn này bắt đầu xuất hiện từ thời Pháp thuộc, nhưng khi đó, người Pháp ở Việt Nam chỉ đơn giản cho pa-tê và bơ vào trong bánh mì. Sau đó, vào năm 1954, người Việt đã đưa biến thể riêng của món bánh mì kẹp, thêm vào thịt lợn, rau thơm và dưa leo, tạo nên ổ bánh mì đậm chất Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 2011, “banh mi” trở thành danh từ được thêm vào từ điển Oxford, ngang hàng với những cái tên khác như “pho”, “bun”, “ao dai”.
Thăng trầm chiếc bánh mì Việt
Theo tổng hợp nhiều tài liệu lịch sử, chiếc bánh mì “baguette” theo chân lính Pháp vào nước ta khoảng năm 1859 vẫn còn chuẩn phong cách Pháp: dài khoảng 80cm, mềm hơn và đặc ruột, thường xuất hiện trong bữa sáng truyền thống của người Pháp.
Bước biến chuyển đầu tiên là khi chính quyền Sài Gòn cho phép bánh mì xuất hiện trong khẩu phần ăn của học sinh tiểu học. Bánh mì trở nên nhỏ gọn hơn, để phục vụ số lượng lớn, ruột bông xốp, vỏ giòn rụm do nướng bằng lò gạch. Thời ấy, một chủ tiệm bánh mì ở Sài Gòn đã cảm thấy việc ăn bánh mì cùng bơ, thịt nguội, pa-tê trên đĩa quá cồng kềnh và mất thời gian, bèn nghĩ ra cách kẹp vào nhân vào bánh để người dân lao động có thể thuận tiện mang theo.
Thực khách xếp hàng mua bánh mì Việt Nam tại thủ đô London, một hình ảnh không hiếm thấy |
Sau chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, nhiều người miền Nam di cư sang Mỹ, châu Âu và Úc, mang theo công thức bánh mì kẹp thịt độc đáo của người Việt đi khắp nơi; thế giới mới biết về chiếc bánh mì Việt Nam.
Như vậy, từ một chiếc “baguette” cơ bản, người Việt đã sáng tạo, biến đổi cho phù hợp với khẩu vị và văn hóa bản địa để phục vụ cuộc sống của mình. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bánh mì trở thành món ăn bình dị, thân thương với đối với mỗi người Việt Nam.
Bánh mì cũng trở thành món ăn yêu thích của đông đảo bạn bè quốc tế; bằng chứng chính là bánh mì xuất hiện ở hầu hết các thành phố lớn, trung tâm lớn trên thế giới và người mua “cam chịu” xếp hàng dài để mua ổ bánh mì Việt Nam.
Bởi vậy nhiều người cho rằng những ý kiến nhận xét bánh mì “chỉ là món ăn đường phố”, “trông hàng chợ”, “không phù hợp làm quốc phục”, “không phù hợp đấu trường quốc tế”… phải chăng chưa toàn diện. Ẩm thực đường phố cũng là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Việt và bánh mì cũng là một món ăn tiêu biểu trên đường phố Việt.
Còn nếu dư luận “săm soi” vào xuất xứ bánh mì từ Pháp có thể nhìn ngay sang món khoai tây chiên kiểu Pháp (French fries) có mặt trong hầu hết các chuỗi ăn nhanh nổi tiếng thế giới của Mỹ như McDonald’s, KFC, Popeyes, Wendy’s… Người Mỹ đã biến ẩm thực du nhập từ nước ngoài thành của văn hóa bản địa và làm cho thế giới phải công nhận.
Từ đó nhìn lại, bánh mì Việt đã có một lịch sử phát triển lâu dài, trở thành món ăn dân dã phổ biến với người Việt trong và ngoài nước, cũng đã xác lập nên một dấu ấn riêng trên bản đồ ẩm thực thế giới mang đặc trưng thương hiệu Việt.