Báo Anh chỉ ra lý do giáo dục Việt Nam thuộc nhóm “tốt nhất thế giới”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tờ The Economist của Anh vừa có bài viết khen ngợi hệ thống giáo dục Việt Nam, đề cao giá trị của giáo dục trong nước và năng lực giáo viên tốt. Học sinh Việt Nam được học trong một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới, phản ánh qua thành tích xuất sắc trong các cuộc đánh giá quốc tế về đọc, toán và khoa học.
Học sinh Việt Nam được hưởng nền giáo dục tốt nhất thế giới.
Học sinh Việt Nam được hưởng nền giáo dục tốt nhất thế giới.

Học sinh đạt nhiều thành tích quốc tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục, vạch ra con đường phát triển của đất nước: “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Câu nói này dường như in sâu vào trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt. Cũng chính vì thế, mặc dù GDP bình quân đầu người của Việt Nam ở mức 3.760 USD, thấp hơn so với các nước cùng khu vực là Malaysia và Thái Lan, con cái của các gia đình Việt Nam được thụ hưởng một trong những hệ thống trường học tốt nhất thế giới.

Điều này thể hiện một điều rằng, ở Việt Nam, cho dù có nghèo đến mấy, những người cha, người mẹ sẽ luôn cố gắng lo cho con cái ăn học “đến nơi đến chốn”, với mong muốn con cái có một cuộc sống tốt đẹp hơn, đất nước mới phồn thịnh, phát triển.

Ông Ngô Quang Vinh, chuyên viên phụ trách phát triển các vấn đề xã hội tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết, việc các gia đình Việt Nam coi trọng giáo dục còn bắt nguồn truyền thống hiếu học lâu đời. Ngay cả ở những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình và dưới trung bình, các bậc cha mẹ vẫn cố gắng cho con đi học thêm. Ở các thành phố lớn, phụ huynh thường tìm kiếm những ngôi trường có giáo viên giỏi để cho con theo học.

Xã hội nói chung cũng chia sẻ quan điểm đề cao giáo dục do các gia đình chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Các gia đình không khá giả cũng sẵn lòng đầu tư về giáo dục cho con em. Tất cả những điều này gặt hái nhiều kết quả. Khi các trường học được cải thiện, nền kinh tế Việt Nam cũng vậy.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, xét về tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn ở Malaysia và Thái Lan mà còn vượt qua học sinh ở Anh, Canada, những quốc gia giàu hơn gấp 6 lần. Ngay trong nước, điểm số của học sinh không có sự bất bình đẳng giữa giới tính và vùng miền như ở những nơi khác. Trẻ em ở Việt Nam thực sự được hưởng một nền giáo dục tốt nhất thế giới, điều này thể hiện rõ ràng qua thành tích xuất sắc trong cuộc đánh giá quốc tế về đọc, toán và khoa học.

Chất lượng giáo viên là yếu tố quan trọng

Bài báo của tờ Econonic cũng chỉ ra rằng, xu hướng học tập của một đứa trẻ là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng từ gia đình, cha mẹ và môi trường mà các em lớn lên. Thế nhưng, sự quan tâm của cha mẹ là chưa đủ. Tác giả bài báo đã chỉ ra “bí mật” khác biệt dẫn đến kết quả trên nằm ở các lớp học. Trẻ em học nhiều hơn ở trường, đặc biệt là trong những năm đầu đời.

Dẫn lại số liệu trong một nghiên cứu vào năm 2020, ông Abhijeet Singh - Trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) - phát hiện hiệu suất cao hơn của các trường học ở Việt Nam bằng cách so sánh, phân tích dữ liệu từ các bài kiểm tra giống hệt nhau do học sinh ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam thực hiện.

Ông nhận thấy, trẻ em Việt Nam độ tuổi từ 5 đến 8 có kết quả vượt so các bạn đồng lứa ở những nước khác. Cứ một năm học ở Việt Nam, khả năng giải một bài toán nhân đơn giản của học sinh tăng lên 21%, trong khi ở Ấn Độ mức tăng là 6%.

Bài báo cũng cho biết, trường học Việt Nam, không giống như ở các nước đang phát triển khác, luôn được chú trọng và cải thiện chất lượng giáo dục theo thời gian.

Một nghiên cứu năm 2022 của Trung tâm Phát triển Toàn cầu - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington D.C, Mỹ - nêu rằng, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đi ngược lại xu hướng chung. Nghiên cứu này chỉ ra chất lượng giáo dục ở 56/87 quốc gia đang phát triển đã xuống cấp kể từ những năm 1960. Việt Nam nằm trong số ít nước không thuộc danh sách có nền giáo dục đi xuống.

Bài báo cho rằng lý do lớn nhất là năng lực của giáo viên. Một nghiên cứu so sánh học sinh Ấn Độ với học sinh Việt Nam cho rằng phần lớn sự khác biệt về điểm số trong các bài kiểm tra toán là do chất lượng giảng dạy. Ngoài trình độ tốt, đội ngũ giáo viên Việt Nam được đánh giá là có kỹ năng quản lý hiệu quả hơn trong giảng dạy, họ được đào tạo thường xuyên và cho phép học sinh tự do sáng tạo để khơi dậy sự thích thú của các em với môn học.

Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng về thu nhập giữa các vùng miền, những giáo viên được cử đến các vùng sâu, vùng xa dạy học sẽ có thêm phụ cấp, nhận thu nhập cao hơn. Quan trọng nhất, việc đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên phụ thuộc nhiều vào kết quả học tập của học sinh. Giáo viên đào tạo ra những lứa học sinh giỏi sẽ được khen thưởng danh hiệu “giáo viên dạy giỏi”.

Bên cạnh những nhân tố trực tiếp như thiên hướng học tập và chất lượng giáo viên, sự quan tâm sát sao của Đảng và Chính phủ với giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của toàn ngành. Các chính sách về giáo dục thường xuyên được điều chỉnh để đáp ứng chương trình và tiêu chuẩn giảng dạy. Ngân sách địa phương cũng được yêu cầu phải chi 20% cho giáo dục.

Tuy nhiên, bài báo cũng chỉ ra những thách thức đối với hệ thống giáo dục Việt Nam. Các công ty ngày càng muốn những lao động có các kỹ năng tinh vi hơn, chẳng hạn như kỹ năng quản lý nhóm, điều mà học sinh Việt Nam không được đào tạo.

Tăng trưởng cũng kéo người di cư đến các thành phố, gây quá tải các trường học ở đô thị. Nhiều giáo viên bỏ nghề để làm những công việc lương cao hơn trong khu vực tư nhân. Do đó, để bảo đảm Việt Nam vẫn là quốc gia có chất lượng giáo dục tốt nhất, Chính phủ sẽ phải xử lý những vấn đề này, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở, tu dưỡng phải được chú ý thường xuyên.

Tập trung phát triển giáo dục

Là một quốc gia có dân số đông, Đảng và Nhà nước ta xác định vai trò đặc biệt của nhân tố con người là động lực của sự phát triển xã hội, của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước.

Trong những năm qua, ngành giáo dục Việt Nam được giao trọng trách lớn, đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc tạo dựng con người với những viên gạch nền tảng là trang bị kiến thức, nâng cao trí tuệ, rèn luyện đạo đức, thể chất và bồi dưỡng tình cảm, thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên.

Chất lượng giáo dục phổ thông cũng được cải thiện. Năm học 2021 - 2022, 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú dần được nâng lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 99,7%; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,7%.

Đặc biệt, học sinh Việt Nam gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng trên các đấu trường quốc tế. Tiêu biểu là kết thúc đợt thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022, các đội tuyển Việt Nam đã đạt thành tích vượt trội với tổng số 32 Huy chương (gồm 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng) và 5 Bằng khen. Trong đó, trên bảng xếp hạng thế giới, đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế xếp thứ 2; Olympic Toán học quốc tế xếp thứ 4; Olympic Vật lý quốc tế xếp thứ 5.

Trong các cơ sở giáo dục đại học, nội dung, phương pháp và chương trình đào tạo giảng dạy thường xuyên được đổi mới, đào tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cho thị trường lao động trong nước và quốc tế. Những nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đã giúp 5 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam lọt vào Bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities) được Tạp chí uy tín của Hoa Kỳ - U.S. News & World Report công bố, gồm: Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Kết quả trên đã góp phần cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc gia về giáo dục năm 2021 (Best Countries for Education) của US News and World Report (dựa trên khảo sát toàn cầu về 3 thuộc tính cùng trọng số của mỗi quốc gia: Có hệ thống giáo dục công phát triển tốt; mọi người có cân nhắc theo học đại học ở đó hay không; quốc gia đó có cung cấp nền giáo dục chất lượng hàng đầu hay không), với vị trí 59, tăng 5 bậc so với năm 2020…

Đọc thêm