Bao bọc không đồng nghĩa là ép con làm theo ý mình

(PLVN) - Gia đình là nhân tố cấu thành nên xã hội. Trẻ em trong mỗi gia đình hầu hết đều được cha mẹ quan tâm, bao bọc nhưng với nhiều phụ huynh khi sự quan tâm đó không đúng cách thậm chí còn ép buộc, áp đặt con làm theo ý mình. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lí của trẻ.

Gia đình là nhân tố cấu thành nên xã hội. Trẻ em trong mỗi gia đình hầu hết đều được cha mẹ quan tâm, bao bọc nhưng với nhiều phụ huynh khi sự quan tâm đó không đúng cách thậm chí còn ép buộc, áp đặt con làm theo ý mình. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lí của trẻ.

Hiện nay không ít phụ huynh bảo bọc, chăm sóc con cái quá mức khiến con trẻ cảm thấy "tù túng". Từ chuyện ăn uống hằng ngày cho đến con mặc quần áo gì - nhất là trong những ngày tết - đều phải nhất nhất tuân theo quan điểm của cha mẹ. Đồng ý rằng nghe theo cha mẹ thì trẻ sẽ luôn được an toàn về mặt thể chất nhưng có những thứ cần cho trẻ sự va vấp, trải nghiệm. Phụ huynh cần trao cho trẻ “quyền lựa chọn”. Đã có không ít phụ huynh áp đặt lên con trẻ những thứ chúng có thể tự quyết định. Chúng có thể lựa chọn để tóc dài hay tóc ngắn, có thể chọn mặc quần áo chúng thích, có thể chú tâm hơn vào các môn học không phải môn học được chú trọng ở chương trình phổ thông. Hơn hết, không thể ép buộc trẻ em chỉ học, trẻ em cũng có và có rất nhiều nhu cầu được vui chơi, giải trí với bạn bè cùng trang lứa. Đó là “quyền được lựa chọn” của trẻ.

Nhiều bậc phụ huynh không hiểu, chưa kiềm chế được cảm xúc. Mỗi khi đứa trẻ đó có bị điểm kém hoặc chưa để ý học tập sẽ buông những lời lẽ “rất khó nghe” và chưa đúng với trẻ. Tựu như “Có mỗi việc ăn với học cũng không làm được” hay “Kiếm tiền cho ăn học mà còn không học được”. Thực chất không chỉ mỗi đứa trẻ mà mỗi chúng ta đều có những ưu điểm, lợi thế hay sự yêu thích riêng cho bộ môn nào đấy, không nhất thiết là Toán, Văn, Anh, đôi khi thứ mà đứa trẻ đó giỏi lại là Nhạc, Hoạ. Đừng so sánh con bạn với bất kì ai vì mỗi đứa trẻ mỗi khác nhau, con bạn có thể không giỏi Toán nhưng lại giỏi đàn hát.

Không phải cứ bảo bọc, ép buộc là sau này lớn lên trẻ sẽ ngoan ngoãn. Có những đứa trẻ bị kiểm soát quá mức đến độ gây ra những tâm lí lo sợ, tâm lí phụ thuộc. Đôi khi chỉ vì chưa được va vấp, bị bảo bọc quá mức nên sẽ gây ra tâm lí chỉ muốn được thoát ra khỏi “vùng an toàn” mà trước đó cha mẹ đặt ra cho đứa trẻ.

Việc yêu thương, chăm sóc trẻ là hoàn toàn đúng đắn nhưng nó không đồng nghĩa với bảo bọc quá mức, kiểm soát hay ép buộc trẻ. Hãy để trẻ em được lớn lên, phát triển trong sự yêu thương đúng cách của cha mẹ.

Tâm Anh