Văn hóa & Pháp luật

Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một trong những giải pháp để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam. Đây là mệnh đề quan trọng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Gia đình là tế bào xã hội, gia đình tốt xã hội mới tốt.
Gia đình là tế bào xã hội, gia đình tốt xã hội mới tốt.

Dùng tích xưa để giáo dục nay

Đó là điều mà nhiều khán giả cảm nhận được sau vở diễn “Những đứa con oan nghiệt” của Nhà hát Cải lương Hà Nội.

Toàn bộ vở diễn xoay quanh hai gia đình: Thầy đồ và tướng cướp. Tướng cướp Tư Chớp vì muốn cho con trai mình sau này không theo nghề trộm cướp, mà phải đỗ đạt làm quan nên khi bà Chín - vợ ông và vợ thầy đồ cùng chuyển dạ sinh con, ông đã cho người tráo đổi hai đứa con.

Mâu thuẫn bắt đầu từ đây. Hai đứa con bị tráo đổi của hai nhà, lớn lên trong môi trường khác nhau hoàn toàn. Con ruột của tên tướng cướp sống ở nhà thầy đồ được dạy dỗ, học hành từ nhỏ nên sớm trở thành học trò giỏi, đi thi đỗ đạt thành quan tân trạng.

Trong khi đó, con của thầy đồ sống ở nhà tên tướng cướp chỉ biết ham mê tửu sắc, ăn nói thô tục, không thích học hành, chơi bời lêu lổng và từ lòng ghen ghét đố kị đã ra tay sát hại con đẻ của tên tướng cướp trong lúc anh này về quê vinh quy bái tổ.

Chứng kiến bi kịch này, trong tột cùng đau khổ, tướng cướp Tư Chớp đã thức tỉnh, tự nói ra sự thật. Vở diễn khép lại bằng cái kết mở có hậu, ấy là khi vua truyền lệnh cho những thái y giỏi nhất bằng mọi cách phải cứu sống quan trạng, đồng thời ra lệnh trừng trị cha con Tư Chớp.

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã đánh dấu sự trở lại bằng vở diễn được đánh giá là mang một thông điệp triết lý giáo dục sâu sắc và giàu tính thời sự với những dấu ấn mới mẻ trong cách dàn dựng.

“Những đứa con oan nghiệt” do NSND Hoàng Quỳnh Mai, nữ nghệ sĩ có duyên với nhiều giải thưởng tại các liên hoan, hội diễn sân khấu làm đạo diễn. Tác giả kịch bản văn học cũng là một gương mặt thuộc hàng “cây đa, cây đề” của giới sân khấu nước nhà, NSND Doãn Hoàng Giang.

Câu chuyện xưa mang tính dân gian nhưng qua cách dàn dựng, cách thể hiện đã làm nổi bật một chân lý mà tác phẩm muốn khẳng định về vai trò quan trọng của môi trường giáo dục gia đình đối với con người cũng như bài học về quy luật nhân quả, gieo nhân nào sẽ gặt quả đấy, môi trường giáo dục nào sẽ nhận về nhân cách đấy.

“Bản thân kịch bản đã rất hay và thời sự. Dù đề tài, câu chuyện không mới nhưng đã luận giải được một cách mạch lạc về sự hình thành của thiện và ác, đen và trắng, ánh sáng và bóng tối nơi mỗi con người. Hạt mầm tốt mà bị gieo trên đất xấu thì khó xanh tươi, cũng như ở bất cứ thời đại nào, con người cũng cần được giáo dục trong môi trường tốt… Đây là thông điệp mà ê kíp sáng tạo vở cải lương “Những đứa con oan nghiệt” muốn gửi tới khán giả.” - NSND Hoàng Quỳnh Mai trao đổi với truyền thông cho biết.

Có thể nói, câu chuyện tưởng như xưa cũ nhưng đạo diễn và ê kíp của “Những đứa con oan nghiệt” đã mang tới cho khán giả, đặc biệt là các gia đình những suy ngẫm về vấn đề đang rất “nóng” của xã hội hiện nay là giáo dục, vun đắp nhân cách con người trong môi trường gia đình.

Cảnh trong vở diễn “Những đứa con oan nghiệt”.

Cảnh trong vở diễn “Những đứa con oan nghiệt”.

Nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc văn hóa

Lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam đã chứng minh, những nét đẹp ứng xử trong gia đình góp phần quan trọng hình thành nên giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt. Chính cái gốc ấy đã giữ cho con người, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt, tạo nên “sức mạnh mềm” cho văn hóa Việt.

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình vào tháng 1/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Nghiên cứu “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thực hiện năm 2019 cho thấy, người dân Việt Nam thuộc mọi tầng lớp xã hội coi gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, sau đó mới đến sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí, địa vị, tín ngưỡng tôn giáo.

Bản thân gia đình đã, đang và sẽ là một trong những giá trị quan trọng đối với người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho con người trong từng tế bào của xã hội.

Bởi vậy, gia đình tốt là bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội lành mạnh và văn minh. Văn hóa gia đình là cái gốc của văn hóa làng, văn hóa nước nên đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Do đó, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh rằng một trong những giải pháp để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam.

Guồng quay của xã hội hiện đại đã làm ảnh hưởng phần nào các giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử gia đình. Không ít người làm cha, làm mẹ không tròn bổn phận, trách nhiệm; không chăm lo cho thế hệ tương lai, chỉ mải mê kiếm tiền và vun vén cho nhu cầu ích kỷ của bản thân.

Do thiếu giáo dục nền tảng đạo đức, thiếu tính làm gương của cha mẹ, không ít con cái trong gia đình không nghĩ đến tình phụ mẫu, phụ tử mà làm nhiều việc trái với luân thường đạo lý…

Chính vì thế, nhiều năm nay, chủ đề của công tác gia đình đều tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm: “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 nhiều năm trở lại đây vẫn lấy việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình làm chủ đề trọng tâm.

Theo bà Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, thống nhất Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ Trung ương đến cơ sở, để phát huy vai trò điều phối liên ngành và thực hiện các nhiệm vụ phối hợp liên ngành, giữa các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ quy định để thực hiện công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

“Đây không chỉ là nhiệm vụ của một ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, sự chung tay kết hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nâng cao ý thức, trách nhiệm, của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng gắn với các phong trào thi đua sôi nổi, nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình để các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình”, Vụ trưởng Vụ Gia đình nói.

Có thể nói, hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc. Đó cũng chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường, đa dạng bản sắc văn hoá, hội nhập sâu rộng quốc tế, song vẫn giữ vững được đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; là nền tảng cơ bản, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.

Tại Hội thảo khoa quốc gia “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam - Nhận diện và Giải pháp”, PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và giới - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã nêu quan điểm: “Những giá trị gia đình được định hình thông suốt và thống nhất trong các văn kiện Đại hội Đảng là “ấm no”, “tiến bộ”, “hạnh phúc”, “văn minh”, “bình đẳng giới”.

Văn kiện Đại hội cũng nêu rất rõ những giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Với đặc điểm nổi bật là người dân Việt Nam coi trọng hôn nhân, coi trọng tầm quan trọng của gia đình trong cuộc sống thì việc xây dựng và vun đắp gia đình cũng chính là điểm nổi bật cho việc hoàn thiện con người, bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi lẽ, gia đình là nơi hoàn thiện con người, nơi con người nhận được những dạy dỗ, giáo dục đầu tiên và theo suốt cuộc đời”.