Báo cáo APCI 2020: Ngành Thuế có chi phí thủ tục hành chính thấp nhất

(PLVN) - Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) năm 2020 (APCI 2020) vừa được Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ công bố, ngành Thuế tiếp tục dẫn đầu về chi phí TTHC thấp trong 9 nhóm TTHC được nghiên cứu… 
Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn - đại diện Tổng cục Thuế nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn - đại diện Tổng cục Thuế nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” 

Với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5,6 điểm so với năm 2019, nhóm TTHC thuế tiếp tục giữ vị trí đầu APCI 2020.

 Khảo sát cho thấy thành công về cải thiện của nhóm này là nhờ vào việc áp dụng việc xử lý TTHC trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” liên tục được duy trì và cải thiện trong những năm gần đây. Kết quả khảo sát APCI 2020 về chi phí tuân thủ trung bình của các nhóm TTHC thuế cho thấy: Ngành Thuế đã từng bước hoàn thiện mô hình thủ tục thuế điện tử và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân. Do đó, để thực hiện các TTHC trong nhóm thuế, trung bình mỗi doanh nghiệp (DN) chỉ phải bỏ ra 3,8 giờ và 11,6 nghìn đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5% với chi phí trung bình 500 nghìn đồng/TTHC.

Tỷ lệ sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong nhóm TTHC thuế ở mức trung bình với khoảng gần 11% số DN tham gia khảo sát cho biết đã phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Theo đó, những DN này thường mất trung bình 2,1 giờ, tối đa mất 5 ngày làm việc cho việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ. 

Về chi phí trực tiếp, nhóm TTHC thuế có chi phí trực tiếp bình quân không đáng kể, trung bình 12 nghìn đồng/TTHC. Hầu hết các trường hợp thực hiện nhóm TTHC thuế đều không phát sinh chi phí trực tiếp (do không phát sinh nghĩa vụ về phí/lệ phí với các nhóm TTHC thuế). Đặc biệt, 100% DN được khảo sát đều khẳng định không phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục.

Về dịch vụ tư vấn trọn gói, cứ 100 DN thực hiện TTHC thuế thì có khoảng 5 DN thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện thủ tục. Có thể nói trong bối cảnh khung pháp luật về nhóm TTHC thuế không có sự thay đổi trong giai đoạn khảo sát nhưng tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói qua 02 năm khảo sát đã giảm xuống đáng kể, từ 24% xuống còn 5%. Điều này cũng phù hợp với thực tế các TTHC thuế khá thuận lợi và các DN khảo sát đã có kinh nghiệm và lựa chọn việc tự thực hiện thủ tục.

Một điểm khác biệt nữa đối với nhóm TTHC thuế đó là khảo sát APCI 2020 ghi nhận sự thay đổi tích cực của các đoàn kiểm tra của cơ quan thuế khi xuống làm việc trực tiếp tại DN trong thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể. Theo đó, chi phí thời gian và chi phí trực tiếp dành cho việc tiếp đón đều giảm đáng kể. 

Vẫn còn dư địa cải cách

Mặc dù trong những năm gần đây, ngành Thuế luôn dẫn đầu trong việc cải cách TTHC, đặc biệt là điện tử hóa trong thực hiện TTHC nhằm đơn giản hóa việc thực hiện, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho DN. Tuy nhiên qua khảo sát, các DN mong muốn ngành Thuế tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa, trong đó cần tập trung hoàn thiện và nâng cấp hệ thống khai và nộp thuế trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế, đảm bảo khả năng truy cập và sử dụng được thông suốt, tránh trường hợp không thể truy cập (đặc biệt vào cuối tháng hoặc cuối kỳ quyết toán thuế).

DN cũng mong muốn các bảng, biểu mẫu được hỗ trợ trong Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế và phần mềm Hỗ trợ kê khai được rà soát, sửa đổi để việc thực hiện TTHC của DN được dễ dàng và thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, ngành Thuế cần xây dựng các biện pháp hỗ trợ DN và rà soát, cải cách một số khâu trong việc thực hiện TTHC đòi hỏi nhiều thời gian công sức của cả DN và công chức, đặc biệt lưu ý đến thủ tục đối với DN phải rời bỏ thị trường.

Cơ quan thuế cũng cần chuẩn hoá quy trình xử lý nội bộ, đảm bảo thông tin hướng dẫn thực hiện thủ tục rõ ràng và đầy đủ (bao gồm cả việc hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hồ sơ), bố trí công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ cần được lưu tâm để đảm bảo việc giải quyết các hồ sơ thực hiện TTHC thuế theo đúng quy định.

APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình DN trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương cung cấp trong 09 nhóm TTHC quan trọng gồm: (i) Đầu tư; (ii) Giao dịch thương mại qua biên giới; (iii) Khởi sự DN/Đăng ký kinh doanh; (iv) Môi trường; (v) Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; (vi) Đất đai; (vii) Xây dựng; (viii) Thuế và (ix) Kiểm tra chuyên ngành.

 Chỉ số APCI gồm hai chỉ số thành phần: Chi phí thời gian thông qua đo lường về thời gian cần thiết của mỗi DN kể từ khi bắt đầu tìm hiểu về TTHC cho đến khi hoàn tất việc thực hiện TTHC theo quy định hiện hành (nhận kết quả TTHC) và chi phí trực tiếp mà DN đã phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện TTHC để nhận được kết quả của TTHC.

Đọc thêm