Báo cáo đánh giá tác động môi trường: Hiểu đúng để không bị mất chi phí “oan”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có nhiều quy định mới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng biết, mà quy định về đánh giá tác động môi trường là một trong những vấn đề doanh nghiệp đang lúng túng hiện nay.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, không phải dự án nào cũng phải làm ĐMT.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, không phải dự án nào cũng phải làm ĐMT.

Bổ sung quy định ĐMT sơ bộ

Tại Hội thảo “Doanh nghiệp (DN) với Luật Bảo vệ môi trường (BVMT)” diễn ra mới đây, một trong những vấn đề được DN đặc biệt quan tâm là đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Theo bà Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trong Luật BVMT 2014, ĐMT được coi như một công cụ để phân tích và dự báo các tác động đến môi trường khi triển khai dự án. Tuy nhiên, do chỉ là công cụ mang tính chất dự báo nên các quy định về ĐTM đã bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình thực hiện bởi khi dự án triển khai trên thực tế sẽ có nhiều thay đổi mà ĐTM không thể lường trước được và không thể dự báo kịp thời.

Thêm vào đó, trong giai đoạn chuẩn bị dự án, Luật Đầu tư 2020 chỉ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường, trong khi đó, Luật BVMT 2014 lại yêu cầu lập ĐTM trong giai đoạn này. “Việc quy định không thống nhất này có thể gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam…”- Bà Bình nói.

Theo đó, Luật BVMT 2020 bổ sung thủ tục ĐMT sơ bộ. Cụ thể, đối với các dự án đầu tư thuộc Nhóm I trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư 2020, chủ đầu tư phải tự thực hiện ĐMT sơ bộ.

Việc thực hiện ĐMT sơ bộ nhằm nhận dạng, dự báo các tác động chính của dự án đối với môi trường dựa trên quy mô, công nghệ sản xuất và địa điểm thực hiện dự án; từ đó đưa ra các phân tích, đánh giá, lựa chọn phương pháp nhằm giảm thiểu tác động môi trường của dự án. Đồng thời, việc ĐMT sơ bộ còn nhằm xác định các vấn đề môi trường chính và phạm vi tác động đến môi trường cần lưu ý trong quá trình thực hiện ĐMT.

Không phải dự án nào cũng phải làm ĐMT

Một lưu ý nữa là thay vì xác định đối tượng theo thẩm quyền phê duyệt dự án như Luật BVMT 2014, Điều 30 của Luật BVMT 2020 đã thu hẹp phạm vi đối tượng và xác định theo mức độ tác động đến môi trường, bao gồm: Các dự án đầu tư thuộc nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao và một số dự án đầu tư thuộc nhóm II là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo điểm c, d, đ, e, khoản 4, Điều 28, Luật BVMT 2020.

Luật BVMT 2020 cũng quy định rõ hơn về nội dung của báo cáo ĐTM. Theo đó, các nội dung chính của báo cáo ĐTM bổ sung nhiều yêu cầu hơn so với Luật BVMT 2014, đặc biệt báo cáo yêu cầu phải đánh giá, nhận dạng các sự cố môi trường có thể xảy ra; đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về BVMT và quy định khác của pháp luật có liên quan…

Thay vì phê duyệt báo cáo ĐTM như Luật BVMT 2014, Luật BVMT 2020 quy định về việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM để làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở của dự án. “Như vậy, các chủ thể kinh doanh cần nghiên cứu để xác định dự án, hoạt động kinh doanh của mình có thuộc đối tượng phải lập báo cáo ĐTM hay không; Hiểu rõ trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐMT”- Bà Bình lưu ý.

Cùng theo bà Bình, nội dung này có ý nghĩa với cả những chủ thể kinh doanh thông thường và chủ thể kinh doanh dịch vụ tư vấn môi trường, tư vấn lập báo cáo ĐTM. Bởi vì, theo quy định của Luật BVMT 2020 các chủ dự án đầu tư thuộc đối tượng phải ĐMT có thể tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn lập báo cáo ĐTM. Khi hiểu rõ những quy định này là cơ sở để chủ thể kinh doanh thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ về ĐTM của mình.

Bên cạnh đó, Luật BVMT 2020 cũng bãi bỏ những quy định về kế hoạch BVMT. Điều khoản chuyển tiếp của Luật BVMT 2020 quy định: “Quyết định phê duyệt báo cáo ĐMT, báo cáo ĐMT sơ bộ, báo cáo ĐMT chi tiết, báo cáo ĐMT bổ sung, báo cáo ĐMT lập lại, đề án BVMT chi tiết và văn bản xác nhận đề án BVMT đơn giản, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, cam kết BVMT, kế hoạch BVMT đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là văn bản tương đương với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐMT khi xem xét, cấp giấy phép môi trường”.

“Như vậy, các chủ thể kinh doanh vẫn tiếp tục sử dụng bản Cam kết BVMT, kế hoạch BVMT trước đây vì được coi là tương đương với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐMT khi xem xét, cấp giấy phép môi trường”- Bà Bình lưu ý.

“Luật BVMT xác định cộng đồng DN là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, do đó, Luật đã có nhiều quy định mới, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của DN thông qua các quy định đã được quy định trong Luật”, TS. Nguyễn Gia Thọ - Uỷ viên Hội đồng quản lý Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường lưu ý.

Đọc thêm