Những cuộc gọi báo cháy giả, không chỉ gây căng thẳng, ức chế cho cán bộ trực gác, mà còn ảnh hưởng đến công tác điều động lực lượng, phương tiện khi có sự cố cháy nổ, tai nạn xảy ra. Do đó, những hành vi nguy hiểm này đều bị pháp luật nghiêm cấm thực hiện.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) thì báo cháy giảlà một trong tám hành vi bị nghiêm cấm. Do vậy, những cá nhân có hành vi gọi tới đường dây nóng 114 để thực hiện báo cháy giả hoặc nhấn chuông báo cháy tại các tòa nhà trong khi không xảy ra vụ cháy nổ nào thì sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 42 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả bị
phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp nhấn báo cháy giả là do trẻ nhỏ gây ra. Mà theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người từ đủ 16 tuổi trở lên hoặc trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi với lỗi cố ý thì mới bị xử phạt. Ngược lại, nếu người báo cháy giả là trẻ em dưới 14 tuổi, hoặc từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nhưng việc báo cháy giả là do vô tình thì không phải chịu chế tài nêu trên.
Với người lớn, trong trường hợp không cố ý báo tin giả, người thực hiện hành vi phải chứng minh được điều này với cơ quan công an để không bị xử phạt. Còn nếu xét thấy khai do nhầm lẫn nhằm trốn tránh trách nhiệm thì vẫn bị xử phạt về hành vi báo cháy giả theo quy định.
Tuy nhiên, dù là trường hợp nào và xuất phát từ nguyên nhân gì, việc báo cháy giả không chỉ vi
phạm pháp luật mà tiềm ẩn nguy cơ vì nếu có báo cháy thật xảy ra, nhiều người sẽ thờ ơ cho rằng đó chỉ là báo cháy giả và không sơ tán, dẫn đến hậu quả khôn lường.