Đổi mới, chủ động, tích cực trong truyền thông
Tại Hội nghị “Tập huấn kiến thức về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022” vừa diễn ra tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định cuộc sống cho người lao động (NLĐ) và Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục được hoàn thiện, số người tham gia BHXH, BHYT tiếp tục tăng mạnh qua các năm.
Tính đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH là hơn 16,5 triệu người, đạt 33,7% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 15,1 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện là gần 1,45 triệu người, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt 1,96% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; số người tham gia BHYT đạt hơn 88,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.
Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Thủ tục hành chính được cải cách triệt để gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách.
Khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với công tác truyền thông của Ngành, ông Đào Việt Ánh cho rằng, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan báo chí thời gian qua đã góp phần giúp công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT.
“Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoạt động của mình, báo chí đã tích cực phản ánh nguyện vọng, dự báo tác động của chính sách đến quyền lợi, tâm lý của NLĐ, người sử dụng lao động thông qua các sản phẩm báo chí, góp phần hiệu quả cho quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và NLĐ” – ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu, nhà báo, phóng viên, biên tập viên đã được nghe các diễn giả trình bày 6 chuyên đề chính sách BHXH, BHYT. Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã khái quát những thành tựu nổi bật trong việc triển khai chính sách BHYT tại nước ta. Theo đó, tỷ lệ bao phủ BHYT tặng mạnh qua các năm, cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân. Năm 2021, cả nước có 37 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT đạt hơn 90% dân số; gần 60% số người tham gia BHYT của cả nước là do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ. Để đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, số cơ sở có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT gia tăng hàng năm (riêng năm 2021 có 2.639 cơ sở).
Trình bày chuyên đề “Một số nội dung của dự án Luật BHXH sửa đổi nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia”, ông Trần Hải Nam – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) đã thông tin một số nội dung trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH năm 2014. Trong đó, đáng lưu ý là một số đề xuất như: Bổ sung quy định trợ cấp đối với trường hợp NLĐ có thời gian đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng nếu không nhận BHXH một lần theo hướng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn.
Bên cạnh đó, đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng có điều kiện và khả năng (như: chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian). Tăng mức hỗ trợ đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Luật cũng đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.