- Luật sư Lê Thị Thùy - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Tại Điều 43 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định nội dung ban bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch gồm: Lý do ban bố tình trạng khẩn cấp; địa bàn trong tình trạng khẩn cấp; ngày, giờ bắt đầu tình trạng khẩn cấp; thẩm quyền tổ chức thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, ban bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch bệnh truyền nhiễm phải bao gồm 4 nội dung nêu trên.
Về việc đưa tin về tình hình dịch, căn cứ Điều 41 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nêu rõ, các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin chính xác, kịp thời và trung thực về tình hình sau khi dịch đã được công bố và công bố hết dịch theo đúng nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp.
Về việc đưa tin trong tình trạng khẩn cấp về dịch, tại Điều 45 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân có trách nhiệm đăng ngay toàn văn nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thi hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa tin kịp thời về các biện pháp đã được áp dụng tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp và tình hình khắc phục hậu quả dịch; đăng toàn văn nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố hoặc bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức và nơi công cộng.
Các phương tiện thông tin đại chúng khác ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm đưa tin về việc ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch và quá trình khắc phục hậu quả dịch.
Do đó, việc đưa tin về tình hình dịch, đưa tin trong tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo quy định nêu trên.