Cảnh giác lừa đảo tuyển dụng dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Văn Hưởng (Hà Nội) hỏi: Tôi đang có nhu cầu tìm việc làm thời vụ Tết Dương lịch và Âm lịch nhưng thấy quá nhiều thông tin tuyển dụng không rõ ràng. Để tránh bị lừa đảo khi tìm việc thời vụ dịp Tết thì có dấu hiệu nào nhận biết không?

- Luật sư Bùi Đức Nhã - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Nhu cầu tìm việc làm, nhất là làm thời vụ mỗi dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán tăng cao so với các thời điểm khác trong năm. Các đối tượng lừa đảo cũng nhân cơ hội này để đăng các thông tin tuyển dụng nhằm lừa tiền người lao động. Nắm bắt được nhu cầu muốn có thêm thu nhập dịp tết, nhiều đối tượng xấu sử dụng chiêu trò để có lòng tin của một số người rồi lừa gạt, chiếm đoạt tài sản của họ.

Một số thông tin tuyển dụng hấp dẫn của các đối tượng lừa đảo như sau: Viết nội dung quảng cáo cho website, yêu cầu có điện thoại, máy tính, thời gian làm từ 2 - 3 tiếng/ngày. Thu nhập từ 100 - 150.000 đồng/bài viết (tùy độ dài). Tuyển nhân viên đánh máy theo mẫu bài có sẵn, làm việc tại nhà, không giới hạn số lượng mỗi ngày; công là 50.000 đồng/bài.

Tuyển nhân viên đánh giá sản phẩm, đăng bài theo các mẫu sẵn, thu nhập cao, trả theo ngày... Thông thường các bài tuyển dụng không có thông tin rõ ràng về công việc mà chỉ có số điện thoại liên lạc hoặc nhắn tin liên hệ qua mạng xã hội. Người có nhu cầu xin việc sau khi liên hệ sẽ dễ dàng được tuyển dụng, sau đó được thêm vào một nhóm kín (zalo, messenger facebook).

Một số đối tượng xấu còn yêu cầu người xin việc tải các ứng dụng lạ để thực hiện chấm công hoặc thông tin số tài khoản để chuyển tiền lương. Khi người dùng tải ứng dụng về đăng nhập, cung cấp các thông tin cá nhân thì có thể những thông tin này đều bị đánh cắp.

Người dân có thể dễ dàng nhận biết các hành vi lừa đảo tuyển dụng dịp Tết năm 2025 thông qua một số dấu hiệu như sau:

Không chuyển khoản lương như hứa hẹn: Theo đó, trên thông tin tuyển dụng có thể là trả lương theo ngày, theo tuần, tuy nhiên các đối tượng tuyển dụng có thể yêu cầu người làm thực hiện công việc suốt cả tháng nhưng lại không chuyển lương. Sau khi người làm hoàn thành công việc sẽ bị đẩy ra khỏi nhóm trao đổi công việc mà không được trả lương. Tuy nhiên, vì không có hợp đồng lao động, thỏa thuận công việc cũng không được kí kết mà chỉ thông qua hình thức tin nhắn. Đồng thời, thông tin người sử dụng lao động cũng không rõ ràng nên người làm cũng khó có thể đòi được quyền lợi cho mình.

Thu tiền người lao động khi tuyển dụng:Tại khoản 2 Điều 11 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ, người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động. Nếu người sử dụng lao động thu tiền khi tuyển dụng thì có thể bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-C. Với tổ chức có hành vi tương tự thì mức phạt là gấp đôi căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Yêu cầu đặt cọc trước khi nhận việc: Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 về một trong những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động là yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. Do đó, nếu tuyển dụng việc làm thời vụ dịp Tết 2023, người sử dụng lao động có yêu cầu người lao động phải đóng tiền đặt cọc trước khi vào làm việc là sai quy định và có thể bị xử phạt từ 20 - 25 triệu đồng theo điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt nêu trên là gấp đôi...

Vì vậy, người dân nên cảnh giác với những chiêu trò để lừa đảo của những đối tượng thông qua việc tuyển dụng, đặc biệt trong dịp lễ, Tết Dương lịch và Âm lịch sắp tới.

Đọc thêm