Báo chí và doanh nghiệp: Đồng hành vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng

(PLVN) -  Báo chí và doanh nghiệp cần thấu hiểu nhau; đảm bảo công bằng, cân bằng, chuyên nghiệp, văn minh và hai bên hỗ trợ lẫn nhau thay vì đưa nhau thành hai phía đối lập.
Quang cảnh Diễn đàn.
Quang cảnh Diễn đàn.

Đây là quan điểm được đưa ra tại Diễn đàn “Báo chí - doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng” diễn ra hôm qua, 29/6. Diễn đàn có sự tham gia của trên 100 đại biểu là lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội, các cấp Hội Nhà báo và các doanh nhân, doanh nghiệp.

Điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin sản xuất, kinh doanh

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế, dẫn đến khả năng thanh khoản của doanh nghiệp giảm mạnh, công ăn việc làm của công nhân bị ảnh hưởng..., Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch… Trong quá trình thực hiện “mục tiêu kép”, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp khi phải đảm bảo vừa sản xuất, vừa chống dịch, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Ngược lại, trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện nhiều thông tin đa chiều, thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận, những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất. Ngoài ra, quan hệ giữa báo chí - doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm...

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ thực trạng, vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí - doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp; khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển kinh tế, xây dựng chiến lược truyền thông doanh nghiệp hiệu quả, từ đó xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng.

Ông Lê Quốc Minh chia sẻ, trong định hướng của Hội Nhà báo Việt Nam có nêu ra những từ khoá rất quan trọng. Bên cạnh những từ khoá “đoàn kết, kỷ cương” thì yếu tố “chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển” là những yếu tố được nhấn mạnh. Đặc biệt từ khoá “nhân văn” là điều báo chí cách mạng hướng tới.

“Chúng tôi mong muốn báo chí cách mạng Việt Nam đặt cao yếu tố nhân văn. Gần đây chúng tôi nêu nhiều khái niệm “báo chí xây dựng”. Có nghĩa là không phải “tô hồng” mọi chuyện mà dù nêu những điều tốt đẹp hay phản ánh những điều bất cập thì phải dưới góc độ mang tính xây dựng; khác với việc “hả hê, hân hoan” trước sai phạm, bất cập của doanh nghiệp, cơ quan” - ông Lê Quốc Minh nói.

Báo chí và doanh nghiệp cần sánh vai nhau

Tại Diễn đàn, các ý kiến, tham luận đều thống nhất nhận định, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí - doanh nghiệp cần được duy trì, phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Để mối quan hệ này thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động, minh bạch thông tin với báo chí. Cơ quan báo chí cần phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Các phóng viên, nhà báo phụ trách thông tin về lĩnh vực này cần được trang bị kiến thức cơ bản về kinh tế; thông tin chính xác, khách quan, đa chiều, tránh gây hoang mang dư luận.

Ngoài ra, báo chí và doanh nghiệp cần thấu hiểu nhau. Trong đó, người viết báo phải biết lắng lòng khi viết về một cái sai của người nào đó, của doanh nghiệp nào đó mà không thể “chữa” được, buộc phải viết lên để làm bài học cảnh tỉnh cho xã hội tránh, chứ không phải tâm trạng hồ hởi, hân hoan khi mình vạch ra được cái sai này với một động cơ khác. Đồng thời, báo chí không chỉ nêu vấn đề tồn tại mà còn đưa ra các giải pháp khắc phục, giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn.

Cùng quan điểm này, Nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, báo chí và doanh nghiệp cần đồng hành sánh vai nhau, đó là cách nhìn nhận chân thành và bình đẳng. Bản chất khi đồng hành là cùng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cả hai cùng phát triển, không phải lợi dụng nhau. Còn ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ mong muốn doanh nghiệp coi báo chí là đối tác chứ không phải là đối tượng, “cứ thấy báo chí gọi điện là tránh”.

Để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa báo chí - doanh nghiệp thời gian tới, bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam kiến nghị, trong môi trường truyền thông số, kinh tế số, báo chí - doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ.

Sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả giữa báo chí - doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số sẽ góp phần vào thành công của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; hiện thực hóa mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Với sự phát triển của truyền thông xã hội, báo chí chính thống cần khẳng định vai trò bằng việc cung cấp thông tin có kiểm chứng, chuẩn xác, không chạy theo mạng xã hội mà thực hiện nhiệm vụ định hướng xã hội.

Rất cần các cơ quan quản lý kinh tế, các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến vai trò của truyền thông, cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan báo chí, trong đó có hệ thống các cơ quan báo chí chủ lực. Cần có một cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan báo chí chủ lực và các bộ, ngành, doanh nghiệp.

Nhấn mạnh đến vai trò của thông tin trung thực, khách quan, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị, cần đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; phát huy vai trò của báo chí cho việc cổ vũ, góp phần xây dựng văn hóa, chuẩn mực đạo đức kinh doanh văn minh, hội nhập cho doanh nghiệp.

Đọc thêm