Liên tiếp có trẻ bị ong đốt
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An đã tiếp nhận và kịp thời cứu chữa 16 em học sinh bị ong vò vẽ đốt trong giờ ra chơi ở trường. Hiện sức khỏe các em đã ổn định, không có học sinh nào nguy hiểm đến tính mạng, một em sau khi sơ cấp cứu đã ra viện, về nhà theo dõi.
Cụ thể, vào khoảng 9 giờ 30 phút ngày 8/9, trong giờ ra chơi, nhóm 6 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5) Trường Tiểu học Nghi Phú 1, xã Nghi Phú, thành phố Vinh (Nghệ An) đã chọc phá một tổ ong trên cây xoài trong trường và bị ong đốt vào vùng đầu, vùng tai. Ngay sau đó, các giáo viên đã nhanh chóng đưa các em tới cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An.
Đến 12 giờ cùng ngày, tiếp tục có thêm 10 học sinh bị ong đốt (phần lớn là học sinh lớp 1) Trường Tiểu học Nghi Phú 1 được các giáo viên và phụ huynh đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An, nâng tổng số học sinh bị ong đốt lên 16 em.
Ngay sau khi tiếp nhận các em học sinh vào cấp cứu, các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An đã tiêm thuốc giảm đau, theo dõi chống sốc và dị ứng. Theo thăm khám, các em bị ong đốt ở cấp độ 1 và 2. Hiện các học sinh đang được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Đến 14 giờ ngày 8/9, có 7 học sinh đã được chuyển điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, 6 em được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc và 2 em điều trị tại Khoa cấp cứu.
Sau khi vụ việc xảy ra, Trường Tiểu học Nghi Phú 1 đã hạn chế học sinh ra chơi trong sân trường, đồng thời xử lý tổ ong để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trước đó, hai bé người dân tộc Bahnar đã bị ong đốt khi cha mẹ đi làm rẫy, hai anh em ra sau nhà bẻ dứa và bị ong đốt. Do không có người lớn ở nhà đưa đi cấp cứu kịp thời, hai bé đều nguy kịch, một bé sau đó tử vong.
2 cháu bé được chuyển viện từ Trung tâm Y tế huyện Mang Yang vào khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Bé trai 5 tuổi trong tình trạng sưng phù toàn thân. Bệnh nhi có hơn 50 vết ong đốt từ đầu đến chân, các vết ong đốt mẩn đỏ, sưng; mạch nhẹ, huyết áp cao; được chẩn đoán phản ứng phản vệ độ II do ong đốt.
Bé trai 2 tuổi có biểu hiện lơ mơ, tím tái, toàn thân sưng phù, ven nhỏ, khó bắt, các vết ong đốt thâm đen. Dù được cấp cứu tích cực nhưng do sức khỏe yếu, bé đã tử vong lúc 14h. Sau khi được sơ cứu, bé 5 tuổi đã được chuyển viện lên Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai.
Nguy cơ trẻ bị ong đốt là rất lớn nếu cha mẹ không dặn dò, trông chừng trẻ, trong thời gian các trẻ không phải đến trường, không phải đi học mà được vui chơi nhiều hơn, nhất là tại các vùng nông thôn, khu vực ngoại thành...
Qua các trường hợp này, các bác sĩ lưu ý đến quý phụ huynh, thời điểm mùa ong sinh sản, đầu thu tới trẻ đi chơi ngoài vườn, đi chơi đến vùng quê hay chọc phá tổ ong dễ bị ong bay ra tấn công. Do vậy, cần phòng ngừa bằng cách phát quang xung quanh nhà, giáo dục trẻ không chọc phá tổ ong, không cho trẻ leo trèo...
Ong đốt có thể gây nguy hiểm cho trẻ
Theo các chuyên gia chống độc, thông thường, ong đốt không gây nguy hiểm, nhưng nếu bị ong đốt nhiều nốt hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ: bị dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc… có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy bên cạnh việc phòng ngừa chúng ta cần biết cách xử trí đúng cách khi bị ong đốt để xử lý kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm.
Nước ta có nhiều loại ong, các loại ong thường gây nhiễm độc là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi. Các loại ong vò vẽ, ong bắp cày và một số loại ong vùng rừng núi rất độc và nguy hiểm.
Bác sĩ đặc biệt lưu ý, về nguyên tắc, bị ong đốt càng nhiều nốt càng nguy hiểm song thực tế, không thể căn cứ điều này. Bởi có người chỉ bị một vài nốt, nhưng chúng đi theo cơ chế dị ứng thay vì ngộ độc nên phản ứng rất nhanh và đều có thể nguy hiểm.
Ong đốt có thể gây nên triệu chứng nhẹ như: đau nhức tại vết đốt nhưng cũng có khả năng gây ra các phản ứng dị ứng nặng hoặc triệu chứng nhiễm độc với nguy cơ gây tử vong cao. Triệu chứng tại chỗ được biểu hiện bằng vết đốt đau nhói, có thể phát hiện được ngòi nọc tại vết đốt. Phản ứng viêm tại chỗ gây đỏ da và phù nề, có đường kính khoảng một vài centimét chung quanh chỗ đốt và thường mất đi sau 4 - 12 giờ.
Nếu trẻ bị ong đốt vào vùng hầu họng có thể gây phù nề hầu họng, từ đây làm phù nề và co thắt thanh quản tạo nên triệu chứng ngạt thở cấp tính. Khi trẻ bị ong đốt vào mắt hoặc mí mắt có thể dẫn đến các tổn thương ở mắt rất nặng, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa, làm hư hỏng mắt như đục thủy tinh thể, thủng nhãn cầu...
Tình trạng nhiễm độc xảy ra trong các trường hợp trẻ bị nhiều con ong cùng đốt, thường trên 10 vết đốt thì có thể gây nên triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, phù nề, co cứng cơ... Trong những trường hợp nặng, có khả năng dẫn đến các nguy cơ biến chứng trầm trọng như: trụy mạch, hôn mê bất tỉnh, co giật, đi tiểu ít hoặc không có nước tiểu và đây là biểu hiện của tình trạng suy thận cấp tính.
Đối với các trường hợp bị dị ứng thì phản ứng thường xảy ra trong khoảng 15 phút đầu tiên sau khi bị ong đốt, tuy nhiên trên thực tế hầu hết các trường hợp phản ứng dị ứng thường xảy ra trong vòng 6 giờ đầu. Triệu chứng bắt đầu bằng dấu hiệu ngứa và đỏ mắt, sau đó nổi mẩn ngứa ở trên da. Biểu hiện lâm sàng có thể diễn biến thành triệu chứng nặng trở nên nhanh chóng như: sốt, rét run, khó thở, thở rít, tím tái, đau bụng, nôn, tiêu chảy, trụy tim mạch, bất tỉnh..
Các bước xử trí khi bị ong đốt:
- Nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong.
- Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày hai lần.
- Uống nhiều nước để loại thải độc tố.
- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
- Sau khi xử trí như trên người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.
Bác sĩ khuyến cáo: Phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: Số lượng vết đốt nhiều (hơn 10 nốt), bị ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi; Bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng; Nạn nhân có các biểu hiện khó chịu như: Đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, khó thở, mệt nhiều,…
Các biện pháp phòng tránh ong đốt:
- Tránh tiếp xúc với ong. Không chọc phá tổ ong. Hằng năm vào cuối hè - sang thu, số người bị ong đốt tăng lên rất nhiều do đây là mùa có nhiều loại hoa quả như dứa, nhãn, vải,… thu hút ong. Trẻ em là đối tượng thường bị ong đốt do trẻ được nghỉ học đi chơi và thường hay tò mò, chọc phá tổ ong.
- Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không bay theo nữa).
- Không nên để hoang nhà cửa khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ.
- Khi đi vào rừng, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.