Bảo đảm an toàn thông tin trong kỷ nguyên số (Bài 3): Hành vi tấn công mạng bị xử lý ra sao?

(PLVN) -  Các chuyên gia pháp lý nhấn mạnh, hành vi tấn công mạng vào trang điện tử của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bị nghiêm cấm, là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, đối tượng tấn công mạng có thể nhận mức án lên tới 12 năm tù.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, đối tượng tấn công mạng có thể nhận mức án lên tới 12 năm tù.

Thạc sĩ, Luật sư (LS) Trần Xuân Long (Giám đốc Cty Luật TNHH Tâm Long, Đoàn LS Hà Nội) cho biết, theo khoản 8 Điều 2 Luật An ninh mạng 2018 đã quy định rõ: “Tấn công mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử”.

Về chế tài xử lý hành chính, theo khoản 3 Điều 77 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi “tạo ra hoặc cài đặt hoặc phát tán chương trình vi rút máy tính hoặc phần mềm gây hại vào thiết bị số của người khác” bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.

Về chế tài xử lý hình sự, trong Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã quy định “Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” (Điều 286), “Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” (Điều 287); “Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” (Điều 289). Mức cao nhất của khung hình phạt đối với các tội danh này lên tới 12 năm tù.

“Có thể nói, từ việc ban hành Luật Công nghệ thông tin năm 2006, đến ban hành Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và sau đó ban hành Luật An ninh mạng năm 2018, Nhà nước đã sớm quan tâm tạo lập và ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc khai thác, sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ máy tính, mạng Internet và môi trường mạng xã hội; đồng thời với việc ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, trật tự, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, BLHS 2015 đã có những quy định cụ thể xử lý các hành vi liên quan đến tấn công mạng”, LS Long nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý các hành vi liên quan đến tấn công mạng, LS Long cho rằng cần quan tâm hơn nữa những vấn đề sau:

Thứ nhất, cần rà soát, cân nhắc bổ sung quy định các hành vi và biện pháp xử lý hành chính đối các hành vi liên quan đến tấn công mạng. Quy định của Nghị định 15/2020/NĐ-CP hiện hành chưa thể hiện rõ một số hành vi liên quan có thể cần phải xem xét xử lý về hành chính nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.

Thứ hai, về chế tài xử lý hình sự, mức cao nhất của khung hình phạt với các tội danh liên quan đến tấn công mạng theo BLHS hiện hành chỉ ở mức 12 năm tù. Trong bối cảnh các hành vi vi phạm liên quan đến tấn công mạng có xu hướng ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội thì trong thời gian tới, cũng cần rà soát, đánh giá để có hướng sửa đổi phù hợp, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa cần thiết của chế tài hình sự.

Thứ ba, để xử lý hành vi tấn công mạng kịp thời, hiệu quả, song song với việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về an ninh mạng, cần tăng cường cơ chế phối hợp kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng liên quan trong việc phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xác minh, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng nói chung, các hành vi tấn công mạng nói riêng.

* Bảo đảm an toàn thông tin trong kỷ nguyên số (Bài 1): Website nào cũng có thể thành nạn nhân

* Bảo đảm an toàn thông tin trong kỷ nguyên số (Bài 2): An toàn an ninh mạng là yếu tố then chốt

Đọc thêm