Bảo đảm an toàn thông tin trong kỷ nguyên số: Website nào cũng có thể thành nạn nhân

(PLVN) -  Mới đây, Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bị hacker đánh sập và mất gần 1 ngày không truy cập được. Sau đó, ngày 15/6, một số trang báo điện tử có dấu hiệu bị tấn công.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 Bộ Công an) công bố thông tin sự việc VOV bị “tin tặc” tấn công.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 Bộ Công an) công bố thông tin sự việc VOV bị “tin tặc” tấn công.

Trong vụ tấn công Báo điện tử VOV, các đối tượng sử dụng cách thức tấn công DDos từ chối dịch vụ: Cho một lượng lớn truy cập ồ ạt cùng một thời điểm, làm tràn băng thông, khiến người đọc không thể truy cập trang web. Vụ tấn công một lần nữa dấy lên nghi ngại bất kỳ trang web của cơ quan báo chí nào nói riêng; cơ quan, tổ chức nói chung; đều có thể là đối tượng để “tin tặc” tấn công.

Hơn 10 năm trước, Báo điện tử Vietnamnet, tờ báo gắn bó với các đơn vị công nghệ, từng bị đánh sập cũng bởi cách thức DDos. Sáng 22/11/2010, Vietnamnet đã bị hacker tấn công khiến độc giả không thể truy cập. Đây là lần thứ hai Báo bị đánh sập, sau lần đầu tiên khoảng 3 tuần và phải mất cả ngày để khắc phục.

Năm 2016, Báo điện tử Sinh viên Việt Nam cũng từng bị hacker tấn công, thay đổi giao diện. Tại thời điểm bị tấn công, kéo dài khoảng 3 tiếng, trên trang chủ của báo hiển thị các ngôn ngữ kích động và để lại thông tin nhóm hacker 1937cn đã thực hiện vụ hack này.

Sự thay đổi giao diện trang chủ của Báo Sinh viên Việt Nam tương tự thủ đoạn mà hacker để lại trong vụ tấn công website Vietnam Airlines trước đấy khoảng 1 tuần. Chiều 29/7/2016, hacker tấn công website Vietnam Airlines, khiến màn hình hiển thị tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất… và hệ thống phát thanh xuất hiện các thông tin kích động, xúc phạm; website của Vietnam Airlines cũng bị thay đổi nội dung, đồng thời đăng tải thông tin của hơn 400.000 thành viên Bông Sen Vàng…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), năm 2020 ghi nhận 5.168 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 0,15% so với 2019. Tuy nhiên, trong quý I/2021, ảnh hưởng đại dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp, cơ quan tổ chức chuyển sang làm việc từ xa. Điều này tạo môi trường cho kẻ xấu khai thác lỗ hổng, tấn công, đánh cắp thông tin, nhiều vụ tấn công mạng quy mô lớn diễn ra.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, Cục An toàn thông tin (ATTT - Bộ TT&TT) đã ghi nhận 1.271 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin. Riêng trong tháng 3/2021, Cục ghi nhận 491 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin, tăng 8,15% so với tháng 2/2021.

Thống kê của Cục cho thấy, sau 8 tháng liên tục giảm, trong tháng 3/2021, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma) đã tăng lên con số 1.021.545 địa chỉ, tăng 11,34% so với tháng 2/2021. Phân tích của chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng (NCSC) thuộc Cục ATTT thì nguyên nhân là do các tổ chức, cá nhân tội phạm mạng tăng cường lợi dụng nhu cầu sử dụng mạng internet của người dùng ngày một gia tăng.

Thời gian gần đây, Phòng Thí nghiệm trọng điểm an toàn thông tin Quốc gia - NLSI đã thực hiện nhiều đợt khảo sát, ứng cứu khắc phục sự cố, giám sát ATTT mạng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như một số tập đoàn lớn trong nước, từ đó đã phát hiện các chiến dịch tấn công với phương thức rất tinh vi. Các hình thức tấn công điển hình là lừa đảo qua email của người dùng với mục đích lây nhiễm mã độc hoặc khai thác các lỗ hổng đã được công bố nhưng chưa kịp thời cài đặt bản vá của hệ thống...

Khi tấn công thành công, “tin tặc” có thể khai thác mục tiêu với nhiều mục đích: Mã hóa dữ liệu tống tiền; sử dụng thông tin, tài liệu đánh cắp được để bán trên các trang mua bán ngầm; sử dụng tài liệu đánh cắp được để bôi nhọ cá nhân; sử dụng tài liệu đánh cắp để thông tin sai lệch gây hoang mang, chia rẽ gây mất đoàn kết…

(Còn tiếp)

Đọc thêm