Bảo đảm cấp đủ vốn cho mục tiêu tăng trưởng năm 2025

(PLVN) -  Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh vốn huy động, vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế với chính sách lãi suất hợp lý. Ngoài ra, nếu cần thiết, NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn…
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2025. (Ảnh: NHNN)

Ngày 5/2/2025, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2025, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong rất nhiều năm qua, tỉ lệ tăng trưởng tín dụng thường cao gấp đôi tăng trưởng GDP, như năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%; Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Do đó, năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%.

“Vấn đề làm sao phải có đủ vốn phục vụ tăng trưởng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung, dài hạn như chứng khoán, trái phiếu vẫn còn những vấn đề cần củng cố. Trách nhiệm sẽ đặt ra cho chính sách tiền tệ, tín dụng trong năm 2025” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Năm 2025 này, NHNN đã đặt ra quan điểm điều hành để vừa phải đạt mục tiêu, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, vừa hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng nền kinh tế và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế. Với quan điểm cũng như mục tiêu đó cùng với những kinh nghiệm, bài học trước đây, điều hành chính sách tiền tệ năm nay tiếp tục linh hoạt, chặt chẽ và phù hợp với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại…

Cụ thể hơn, NHNN cần phải đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh vốn huy động, vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế từ doanh nghiệp, người dân. Và có chính sách lãi suất hợp lý để huy động nguồn vốn này. Trong trường hợp cần có vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu thì NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức phù hợp thông qua các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ.

Về lãi suất, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác; Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay bằng cách tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.

Đáng chú ý, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong điều hành hạn mức tín dụng, năm 2025, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% nhưng cũng có thể cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép và đạt mục tiêu tăng trưởng. Về phương thức điều hành hạn mức tín dụng, năm 2024, NHNN đã đổi mới và năm 2025 NHNN tiếp tục đổi mới, tạo thuận lợi, chủ động cho các ngân hàng thương mại. NHNN sẽ kiểm soát cũng như đảm bảo tổng thể mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.

Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, ngày 30/12/2024, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện. Đồng thời, NHNN tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, trên thị trường ngoại tệ, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, “hóa giải” những tác động từ thị trường thế giới, duy trì thị trường ngoại tệ ổn định. Ngay từ đầu năm, mặc dù đã có tác động bất lợi đối với nền kinh tế và thị trường ngoại tệ nhưng NHNN đã chủ động điều hành. Từ giữa tháng 1 đến nay, nhìn chung thị trường trở lại trạng thái tích cực.

Ngoài ra, theo Phó Thống đốc, các chính sách liên quan đến cơ cấu nợ, hoãn giãn nợ… cũng sẽ sử dụng một cách hợp lý, không lạm dụng nhưng vẫn tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khó khăn trong bão số 3 vừa qua. Cùng với đó, các chính sách tín dụng ưu đãi khác, lãi suất thấp sẽ được triển khai tích cực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo số liệu của NHNN, cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, đến cuối năm 2024 là khoảng 15,5 triệu tỷ đồng. Như vậy riêng năm 2024, hệ thống ngân hàng đã cung ứng thêm vào nền kinh tế vốn dư nợ khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Tổng cả năm 2024, doanh số cho vay là khoảng 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ là khoảng 21 triệu tỷ đồng để có được 7,09% tăng trưởng GDP.

Đọc thêm