Bảo đảm chất lượng các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7

(PLVN) - Tiếp tục Phiên họp thứ 33, sáng nay, 15/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, QH Khóa XV và tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 7, QH Khóa XV.
Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại phiên họp.
Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại phiên họp.

Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung tại Kỳ họp thứ 7

Trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, QH Khóa XV, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, QH sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Dự kiến, tổng thời gian làm việc của QH là 26 ngày; khai mạc vào ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào chiều ngày 27/6.

QH sẽ họp tập trung tại Nhà QH. Kỳ họp chia thành 2 đợt, đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6 (17 ngày); đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 27/6 (9 ngày) và dự phòng ngày 28/6.

Tổng Thư ký QH, Văn phòng QH đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh… Đến nay, đã cơ bản hoàn tất để sẵn sàng phục vụ kỳ họp.

Thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu để kịp trình QH. Đến thời điểm này các nội dung của kỳ họp đã được UBTVQH xem xét, cho ý kiến.

Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương hơn nữa để hoàn tất việc chuẩn bị các nội dung, kịp gửi tài liệu đến đại biểu QH trước khi khai mạc Kỳ họp, bảo đảm thời hạn theo quy định và yêu cầu của Lãnh đạo QH.

Phối hợp chặt chẽ để kỳ họp diễn ra thành công tốt đẹp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho biết, qua kiến nghị của cử tri cho thấy cử tri rất mong đợi QH xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT). Chính phủ cũng đã đề nghị trình QH xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách này, nhưng hiện vẫn chưa có hồ sơ trình.

Do vậy, Phó Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ; Ủy ban Tài chính – Ngân sách và Ủy ban Pháp luật phối hợp, xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản về việc đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và chương trình Kỳ họp.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn nêu rõ, UBTVQH cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo do Tổng Thư ký QH chuẩn bị. Riêng về chương trình Kỳ họp, đề nghị Ban Thư ký, Tổng Thư ký QH tiếp thu, sắp xếp hợp lý giữa 2 đợt. Trong thời gian giữa 2 đợt, UBTVQH cũng sẽ họp để xem xét các nội dung quan trọng.

Ghi nhận việc chuẩn bị cho kỳ họp lần này đã có sự tiến bộ, Phó Chủ tịch Thường trực QH cho biết, đến thời điểm hiện nay, các nội dung trình QH tại Kỳ họp thứ 7 đã được UBTVQH xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, cho ý kiến và đủ điều kiện trình QH. Còn 3 nội dung sẽ được UBTVQH cho ý kiến vào phiên họp chiều nay, 15/5.

Phó Chủ tịch Thường trực QH đề nghị Ủy ban Xã hội và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trên tinh thần khẩn trương, tích cực, những gì còn vướng mắc thì phải giải quyết thấu tình, đạt lý; phấn đấu quyết tâm, quyết liệt thông qua tại Kỳ họp.

Đối với nội dung Chính phủ đề nghị bổ sung trình tại kỳ họp này như Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực QH nhấn mạnh, tại Kỳ họp này QH sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), việc xem xét Quy hoạch, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch thủ đô cũng hết sức cấp bách, quan trọng, là một trong những công việc để triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực QH đề nghị Chính phủ xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về một số nội dung như Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực lưu ý, việc chuẩn bị các dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết trước khi trình QH thông qua phải thật kỹ lưỡng, gọn, rõ, trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm chất lượng các nội dung trình QH, tạo sự đồng thuận cao.

Đọc thêm