Bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

(PLVN) -Sáng 27/10, nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo về kết quả rà soát VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước do Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Đồng Ngọc Ba cho biết ngày 07/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg kèm theo Kế hoạch thực hiện rà soát VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó xác định rõ trách nhiệm rà soát; đối tượng, phạm vi, nội dung và tiến độ công việc. Ngày 12/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng, các thành viên là đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương và một số tổ chức đại diện cho doanh nghiệp. 

 

Ông Ba nhấn mạnh, trong quá trình triển khai thực hiện, các bộ, ngành đã tích cực rà soát các văn bản và phát hiện các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển, qua đó đưa ra các phương án xử lý kịp thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo chung về kết quả rà soát VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPL Nguyễn Duy Thắng cho biết, tổng số văn bản đã được các bộ, cơ quan ngang bộ, Nhóm rà soát của Tổ công tác rà soát là 8.779 văn bản. Kết quả rà soát cho thấy, phần lớn VBQPPL có chất lượng tốt, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, đóng góp tích cực và quan trọng vào quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Quy trình xây dựng VBQPPL ngày càng được cải tiến, hoàn thiện, từng bước bảo đảm chính sách pháp luật được xây dựng, phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn; nội dung quy định trong các bộ luật, luật ngày càng cụ thể hơn và thi hành được ngay sau khi bộ luật, luật có hiệu lực. Công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, lấy ý kiến dự thảo VBQPPL, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL sau khi ban hành ngày càng thực chất, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi của VBQPPL; công tác pháp điển, hợp nhất bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả; một số trường hợp ban hành VBQPPL chưa chú trọng đúng mức đến đánh giá tác động và các điều kiện bảo đảm thi hành…

Do đó, để hạn chế phát sinh các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp, ông Thắng đề nghị các bộ, cơ quan ngàng bộ thực hiện nghiêm Luật Ban hành VBQPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL; tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, bảo đảm đúng tiến độ; chú trọng bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong quá trình thẩm định…

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, nêu ý kiến đóng góp để hệ thống pháp luật Việt Nam phát triển, chẳng hạn như có những chính sách phù hợp, kịp thời đối với các VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý của Nhà nước; thực hiện nghiêm túc, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương quy định của Luật Ban hành VBQPPL và Nghị định của Chính phủ; có quy định rõ ràng để tránh cách hiểu khác nhau về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan…

Đọc thêm